.

Kiên quyết gỡ thẻ vàng EC

Cập nhật: 19:26, 15/04/2022 (GMT+7)

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tại buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình hoạt động thủy sản và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); tình hình phát triển chăn nuôi và công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh, diễn ra chiều 15/4.

Đại diện 3 bên kí kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thủy sản.
Đại diện 3 bên kí kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thủy sản.

Số lượng tàu cá vi phạm giảm

Báo cáo với Đoàn công tác Bộ NN-PTNT, bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, tình hình tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài so với những năm trước đây giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, riêng đầu năm 2022, đã xảy ra 1 vụ/3 tàu cá/25 thuyền viên bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ.

Nhằm chấm dứt tình trạng trên, thời gian qua ngành nông nghiệp phối hợp với lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến ngư dân hiểu rõ quy định pháp luật về thủy sản và các quy định của Ủy ban châu Âu EC về IUU. Bên cạnh đó, tỉnh cũng phối hợp với Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân tổ chức chương trình Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển... Sở NN-PTNT cũng đẩy mạnh công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để quản lý hoạt động tàu các trên biển. Trong đó, 2.592 tàu các khai thác xa bờ trên vùng biển khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 100%. Công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác từng bước được cải thiện. Việc xử ý các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp ngày càng quyết liệt hơn.

 Tính đến cuối tháng 3/2022, tổng số tàu cá của tỉnh thuộc diện đăng ký, cấp phép là 5.409 chiếc. Trong đó, tàu khai tác vùng khơi (chiều dài 15m trở lên) có 2.808 chiếc, vùng lộng 724 chiếc và khai thác ven bờ là 1.877 chiếc. Khai thác các nghề chủ yếu như lưới kéo, nghề vây, nghề rê, nghề câu, nghề chụp, nghề dịch vụ hậu cần… Về hạ tầng cảng cá, trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, hình thành từ nguồn vốn ngân sách, tư nhân đưa vào khai thác sử dụng 13 cảng cá; 3 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã cong bố đưa vào hoạt động trở lại.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT đã chứng kiến lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh và Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 trong công tác quản lý các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thủy sản. Theo đó, lực lượng các bên thường xuyên trao đổi, thông báo tình hình, phối hợp xử lý, giải quyết các vụ việc liên quan đến các lĩnh vực chủ yếu sau: kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý tàu cá, ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển tỉnh, vùng biển Việt Nam; tình hình hoạt động của tàu thuyền khai thác, nuôi trồng, thu mua, chuyển tải nguồn lợi thủy sản của ngư dân tỉnh; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mua bán, vận chuyển động, thực vật nằm trong danh mục cấm, vi phạm an ninh, trật tự trên biển...

Cần quyết liệt xử lý vi phạm

Đánh giá về tình hình thực hiện chống đánh bắt bấp hợp pháp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng, Vụ khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho rằng, BR-VT là một trong những địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất cả nước. Đây cũng là địa phương có nhiều yếu tố dẫn tới việc vi phạm tăng cao như, mất cân đối số lượng tàu thuyền, hiện vẫn chủ yếu là nghề lưới kéo - là một trong những nghề có nguy cơ vi phạm cao nhất; ngư trường rộng lớn, giáp ranh với nhiều nước và số lượng tàu tỉnh ngoài vào bốc dỡ thủy sản trên địa bàn tinh rất lớn, lượng tàu dịch vụ hậu cần lớn… Tuy nhiên, việc thanh tra, xử lý tình trạng vị phạm hiện vẫn chưa quyết liệt. Các vấn để về IUU như, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, lập danh sách tàu cá vi phạm nguy cơ cao, giấy xác nhận ghi chép số liệu ra vào cảng chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự chuyển biến tích cực về sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Đối với công tác IUU, Thứ trưởng nhấn mạnh, địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi từ tự phát, phòng trào sang khai thác bền vững, lâu dài. Yêu cầu cấp bách cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân, truyền thông cần đôi với giải quyết, xử lý hành chính để răn đe những trường hợp vi phạm. Đối với công tác xử lý, Thử trưởng yêu cầu cần mạnh tay, kiên quyết, xử lý đúng nội dung, đúng đối tượng vi phạm. Cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi nghề cho ngư dân, từ đó tạo công ăn việc làm ổn định, phát triển bền vững.

Bà Phạm Thị Huệ, Vụ trưởng, Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) cho rằng, việc quản lý khai thác đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều sự tiến bộ. Tuy nhiên, các đơn vị quản lý của tỉnh cần quyết liệt hơn trong công tác xử lý vi phạm hành chính. Khi phát hiện tàu cá vi phạm cần kiên quyết làm việc với chủ tàu để xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, bà Huệ cũng cho rằng, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt vai trò của địa phương hết sức quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn ngư dân. Sự phối hợp giữa các lực lượng cần chặt chẽ không chỉ là giữa các địa phương mà phải mở rộng ra các tỉnh lận cận để kiểm tra, kiểm soát và phối hợp xử lý các tàu vi phạm. 

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

.
.
.