Mobile Money - Cuộc cạnh tranh mới của các nhà mạng
Sau hơn 3 tháng Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho 3 nhà mạng VNPT, Mobifone và Viettel triển khai dịch vụ tiền di động (Mobile Money), ứng dụng này đã mở ra một giai đoạn mới, lĩnh vực mới, không gian mới trong kinh doanh viễn thông. Theo đó, các nhà mạng chính thức bước chân vào thị trường Fintech - thị trường tiền tệ, tài chính.
Ứng dụng Mobile Money cho phép người dùng chuyển tiền trên điện thoại ngay cả khi không tài khoản ngân hàng hay kết nối internetternet. |
Mobile Money là giải pháp cho phép người dùng chuyển tiền, thanh toán mà không cần tài khoản ngân hàng hay kết nối Internet, có thể thực hiện bằng “điện thoại không thông minh”. Giải pháp này được cho là sẽ giúp người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, nơi chưa có sự hiện diện của hệ thống ngân hàng, vẫn có thể giao dịch.
Bà Lý Thị Hiên (xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) là dân tộc Châu Ro làm nương rẫy. Bà Hiên hiện có con trai đang theo học đại học năm 2 tại TP. Hồ Chí Minh. Bà không có điện thoại thông minh, khu vực chỗ bà ở cũng chưa có sóng 3G nên mỗi khi phải gửi tiền bà lại phải ra ngân hàng hoặc bưu điện để chuyển. “Tôi mới được cán bộ xã hướng dẫn sử dụng Mobile Money. Từ điện thoại “cục gạch” này tôi đã chuyển tiền trực tiếp cho con. Tôi rất mừng vì có thể thực hiện các giao dịch thuận tiện hơn”, bà Hiên nói.
Theo Sở TT-TT, thị trường viễn thông BR-VT hiện có hơn 2 triệu thuê bao di động, trong đó 3 nhà mạng lớn nhất, cũng là 3 nhà mạng đã được cấp phép triển khai thí điểm Mobile Money là VNPT, Mobifone và Viettel, đang chiếm tới hơn 97% thị phần. Trong đó, tỷ lệ người dùng có 2-3 tài khoản viễn thông rất lớn. Vì vậy, việc khách hàng lựa chọn dùng tài khoản nào sử dụng dịch vụ Mobile Money sẽ là cuộc cạnh tranh rất lớn giữa 3 nhà mạng này.
Từ cuối năm 2021, MobiFone đã trở thành nhà mạng di động được phép triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money. Với việc triển khai cung cấp dịch vụ Mobile Money của MobiFone cho phép khách hàng dùng tài khoản tiền di động để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như: chuyển tiền, nạp/rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng, điểm giao dịch trên toàn quốc của MobiFone.
Để đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện bao gồm SIM điện thoại đã có thời gian kích hoạt và sử dụng liên lạc trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký Mobile Money. Ngoài ra, thông tin dùng để xác thực tài khoản ví Mobile Money (bao gồm tên và thông tin giấy tờ) phải trùng khớp với thông tin thuê bao SIM. Khách hàng có thể đến các cửa hàng của các nhà mạng để đăng ký dịch vụ Mobile Money trực tiếp hoặc làm theo hướng dẫn của riêng từng nhà mạng đối với cả điện thoại thông minh và điện thoại phổ thông. |
Ngoài ra, người dùng có thể thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ phục vụ đời sống: Thanh toán điện, nước, internet, nộp các loại phí (học phí, phí dịch vụ chung cư, phí đường bộ, phí không dừng…); mua sắm và giải trí (vé xem phim, vé tàu xe, thanh toán giao đồ ăn…); hay thanh toán các dịch vụ bảo hiểm, tài chính khác… mà không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, không yêu cầu phải sử dụng smartphone, không cần kết nối internet.
Theo đại diện MobiFone, sau khi tiến hành triển khai dịch vụ tiền di động Mobile Money, MobiFone sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển, cung cấp các dịch vụ: Cổng thanh toán điện tử; hỗ trợ thu hộ, chi hộ; hỗ trợ chuyển tiền điện tử; các dịch vụ tài chính hợp tác với ngân hàng và tổ chức tín dụng, các dịch vụ tài chính khác.
Trong khi đó, đại diện của Viettel khẳng định, trong giai đoạn hiện nay, Viettel Money sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, tài chính, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, hải đảo. Người dân ở khắp nơi đều có thể dễ dàng thanh toán mà không dùng tiền mặt chỉ với số điện thoại. Đại diện Viettel cũng khẳng định, với hạ tầng mạng lưới viễn thông đã phủ rộng khắp BR-VT, Viettel Money đã sẵn sàng cung cấp cho người dùng trên toàn tỉnh. Ngoài các cửa hàng tiện ích, điểm vui chơi, mua sắm, người dùng còn có thể lên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Sendo mua sắm và thanh toán bằng Viettel Money.
Theo Sở TT-TT, khi dịch vụ Mobile Money được đưa vào sử dụng, về lý thuyết, mọi thuê bao viễn thông đều có thể trở thành thuê bao Mobile Money. Tuy nhiên, các nhà mạng phải đảm bảo thuê bao có thông tin định danh chính xác mới được cung cấp dịch vụ và muốn được khách hàng lựa chọn sử dụng Mobile Money. Nhà mạng phải đem lại sự tiện lợi, niềm tin cho khách hàng.
Theo VNPT BR-VT, do dịch vụ này có các quy định chặt chẽ về điều kiện triển khai, các DN viễn thông đang tiếp cận một cách thận trọng và có các biện pháp quản trị rủi ro cụ thể. Theo đó, để sử dụng Mobile Money, chủ thuê bao cần đáp ứng yêu cầu sở hữu sim chính chủ và dùng dịch vụ viễn thông liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề. Đại diện VNPT đánh giá dịch vụ Mobile Money của nhà mạng nào cũng có những đặc điểm chung, khá tương đồng về kỹ thuật và công nghệ, nhưng đơn vị nào cũng có những thế mạnh riêng. Với VNPT, lợi thế là kinh nghiệm từ việc triển khai thành công các dịch vụ tài chính số trong những năm gần đây. Ngoài ra, VNPT cũng có thế mạnh về hệ sinh thái dịch vụ rộng lớn, đội ngũ nhân lực dồi dào và có chuyên môn cao, nhiệt huyết. Đó là những yếu tố cộng hưởng giúp Mobile Money của VNPT sẽ có đủ điều kiện để phát triển bền vững, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng.
Bài, ảnh: QUANG VŨ