.
ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Hướng đi tất yếu của hợp tác xã

Cập nhật: 19:28, 04/03/2022 (GMT+7)

Thông qua việc sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT)... các HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước ứng dụng, chuyển đổi số vào sản xuất.

Để thích ứng xu hướng thị trường, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất. Trong ảnh: Khu nuôi cấy đông trùng hạ thảo của HTX nông nghiệp công nghệ cao BRVT sử dụng máy móc tự động trong khâu sản xuất.
Để thích ứng xu hướng thị trường, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất. Trong ảnh: Khu nuôi cấy đông trùng hạ thảo của HTX nông nghiệp công nghệ cao BRVT sử dụng máy móc tự động trong khâu sản xuất.

Sản xuất sạch, năng suất cao

Hoạt động trong lĩnh vực dược liệu, HTX Nông nghiệp công nghệ cao BR-VT (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đang từng bước đẩy mạnh số hóa trong sản xuất, đặc biệt là ở các khâu sản xuất nguyên liệu và bán hàng. Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc HTX cho biết, từ năm 2019, HTX đã đầu tư máy móc, thiết bị vào quy trình sản xuất, các chỉ số về quy trình nuôi, độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng đều được tính toán và cài đặt tự động. Chẳng hạn, khi các chỉ số sinh hóa bị thay đổi do yếu tố môi trường, hệ thống máy chủ sẽ tự động báo về điện thoại thông minh, từ đó người sản xuất có thể kiểm soát, điều chỉnh sao cho phù hợp.

Ngoài ra, một trong những tiện ích của ứng dụng số trong sản xuất nữa đó là toàn bộ lịch sử sản xuất, nguyên liệu, các chỉ tiêu phân tích về sinh lý, sinh hóa nguồn gốc sản phẩm được ghi chép tự động. Với nguồn dữ liệu này, HTX cập nhật lên hệ thống tiêu chuẩn HACCP để người tiêu dùng có thể theo dõi quy trình sản xuất, đóng gói đạt chuẩn… Ngoài ra, với mục tiêu không để đứt gãy chuỗi sản xuất, HTX đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, fanpage và sàn TMĐT.

“Trong 2 năm dịch bệnh COVID-19, việc bán hàng theo phương thức truyền thống của HTX gặp nhiều khó khăn. Do đó, để thích ứng linh hoạt với bối cảnh dịch bệnh, HTX đã mua và xây dựng trang bán hàng theo hình thức TMĐT. Hiện nay, kênh bán hàng qua sàn TMĐT, các trang mạng xã hội đã phát huy hiệu quả khi lượng khách hàng thông qua các kênh này ngày càng tăng và ổn định”, ông Bình cho hay.

HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc) cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện số hóa vào sản xuất. Ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc HTX cho biết, nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng trong và ngoài nước đơn vị bắt tay vào thực hiện số hóa cho sản phẩm hồ tiêu bắt dầu từ khâu sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, quét mã QR cho tiêu và các sản phẩm tiêu. Theo ông Lâm, việc trồng tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP và dán tem truy xuất nguồn gốc đã nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của HTX trên thị trường trong và ngoài nước.

Các sản phẩm hồ tiêu được dán tem tiếp cận dễ dàng hơn với các siêu thị và thị trường xuất khẩu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, trong năm qua, HTX cũng tập trung đẩy mạnh các sản phẩm trên sàn TMĐT. Hiện nay, HTX có hơn 10 sản phẩm được đưa lên giao dịch, mua bán trên sàn TMDT postmart.vn như: tiêu một nắng, tiêu không hạt, tiêu sữa, củ hoài sơn, bột hoài sơn…“Thay vì DN, HTX, nông dân phải đưa sản phẩm tới các điểm triển lãm, gian hàng, khi sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT, tiếp cận với nền tảng số, việc quảng bá trở nên dễ dàng, đơn giản và tiết kiệm chi phí hơn”, ông Nhâm cho hay.

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số

Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có 153 HTX và 1 liên hiệp HTX. Trong đó có 96 HTX nông nghiệp với 2.853 thành viên và 2.458 lao động. Thời gian qua, một số HTX trên địa bàn tỉnh cũng đã mạnh dạn ứng dụng KHCN, chuyển đổi số vào các khâu sản xuất, bán hàng... Tuy nhiên, thực tế tại nhiều HTX nông nghiệp, việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị vẫn còn sơ khai.

Nguyên nhân do đa số thành viên tham gia HTX xuất phát từ nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, KHCN còn kém, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương với các siêu thị, DN xuất nhập khẩu hạn chế, chưa thường xuyên. Đầu tư sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi hầu hết các HTX đều thiếu vốn.

Để thúc đẩy các thành viên HTX tham gia vào hoạt động chuyển đổi số, Liên minh HTX đã hỗ trợ kinh phí để tham gia dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN tỉnh giai đoạn 2012-2015; chương trình KHCN hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa tỉnh để xây dựng website, đào tạo, nhãn hiệu, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc, đổi mới công nghệ… Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh hiện cũng đã xây dựng dự thảo và trình UBND về Nghị quyết Quy định chính sách phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025.

Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch liên minh HTX tỉnh cho biết, nhằm giúp các HTX trang bị kiến thức về chuyển đổi số trong HTX, đồng thời tiếp cận giới thiệu sản phẩm lên sàn TMĐT Ecoop; quản  lý sản xuất thực hành thiết kế sáng tạo trong xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu ứng dụng chuyển đổi số, Liên minh HTX tỉnh sẽ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho HTX; nâng cao chất lượng nhân lực tại các HTX nông nghiệp; phát huy vai trò kết nối sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân…

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

.
.
.