Người chăn nuôi heo lo lắng về giá thức ăn và dịch bệnh

Thứ Tư, 09/03/2022, 18:23 [GMT+7]
In bài này
.

Trong vài ngày gần đây, giá heo thịt được điều chỉnh theo xu hướng nhích nhẹ từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg, hiện dao động từ 53-56 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên người chăn nuôi vẫn còn lo lắng do giá thức ăn tăng cao, trong khi đó dịch tả heo châu Phi cũng đang có nguy cơ tái phát.

Chăm sóc heo tại trại heo Phước Hội, huyện Đất Đỏ.
Chăm sóc heo tại trại heo Phước Hội, huyện Đất Đỏ.

Trong những ngày vừa qua, thị trường giá heo hơi không ngừng được điều chỉnh theo chiều hướng tăng nhẹ tại các tỉnh phía Nam, dự kiến theo đà tăng này thì giá heo có thể quay lại mốc 70.000 đồng/kg. Ghi nhận của các thương lái mua heo trong tỉnh, giá heo hơi trong tỉnh dao động trong khoảng 53-55 ngàn đồng/kg, cao hơn so với tuần trước từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Ông Lê Thanh Liêm, quản lý trại heo Phước Hội, huyện Đất Đỏ cho biết, giá thành sản xuất một con heo thịt dao động từ 51-52 ngàn đồng/kg, với giá như hiện nay, người chăn nuôi bắt đầu có lãi.

Dù giá heo đang có dấu hiệu hồi phục nhưng người chăn nuôi vẫn chưa thể mừng vì giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong thời gian qua. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng rất nhiều lần, có loại tăng tới hơn 10 lần, mỗi lần tăng từ 3-5%. Mới đây, giá thức ăn chăn nuôi vừa tăng trong tháng 2 từ 200-300 đồng/kg. Nay đang được các đại lý thông báo sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng mạnh vào tháng 3 này, với mức tăng dự kiến 300-500 đồng/kg.

Hiện Việt Nam nhập khẩu tới 90% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; khủng hoảng tại Đông Âu khiến giá dầu và giá các sản phẩm lúa mỳ, ngô,... bị tác động mạnh, dẫn tới chi phí đầu vào của các DN chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên đàn heo vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi. Đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm chưa có vắc xin phòng bệnh. Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, tại Việt Nam có 3 công ty tham gia vào quá trình nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh, đây là nỗ lực của ngành thú y trong việc phối hợp với các DN, các nhà khoa học hình thành một hệ sinh thái để nghiên cứu sản xuất vắc xin.

Dự kiến sau khi kết thúc giai đoạn khảo nghiệm, Bộ NN-PTNT sẽ thành lập Hội đồng đánh giá và công bố sớm đưa vắc xin vào sản xuất đáp ứng yêu cầu phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Ông Nguyễn Xuân Sáng, Phòng Nghiệp vụ chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trong 2 tháng đầu năm nay, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 40 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 16.000 con heo.

Tại tỉnh BR-VT, bệnh xảy ra tại 4 huyện, với 11 ổ dịch, buộc tiêu hủy 274 con. Các ổ dịch xảy ra chủ yếu ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và không thực hiện an toàn sinh học.

Cũng theo Chi cục chăn nuôi và thú y, trong thời gian chờ Bộ NN-PTNT thành lập Hội đồng đánh giá kết quả quá trình khảo nghiệm và cấp phép sản xuất vắc xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi, trước nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra do hoạt động chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ và phân tán vẫn chiếm đại đa số, ngành nông nghiệp tỉnh đặc biệt là cơ quan chuyên ngành thú y phối hợp với các ngành, các cấp và các địa phương tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để phòng, chống dịch bệnh.

Trong đó chú trọng công việc chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và hướng dẫn các địa phương xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; đẩy mạnh công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ; tổ chức tuyên truyền, thông tin sâu rộng về tính chất nguy hiểm của bệnh, các biện pháp phòng chống, hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn heo, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và tăng cường công tác vệ sinh, tiêu độc sát trùng khu vực chăn nuôi.

MINH THỊNH

;
.