Mở hướng thoát nghèo bền vững cho nông dân

Thứ Sáu, 18/03/2022, 18:39 [GMT+7]
In bài này
.

Bằng cách hỗ trợ con giống, vốn vay, kỹ thuật sản xuất, sau gần 5 tháng triển khai, mô hình khuyến nông đã bước đầu mang lại hiệu quả, giúp nông dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Đàn dê của ông Đỗ Văn Mỹ (ấp 1, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc) nhận được từ chương trình hỗ trợ con giống của Hội Nông dân tỉnh.
Đàn dê của ông Đỗ Văn Mỹ (ấp 1, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc) nhận được từ chương trình hỗ trợ con giống của Hội Nông dân tỉnh.

Thuộc hộ cận nghèo, cuối năm 2021, ông Lê Thanh Sơn (ấp An Phước, xã An Ngãi, huyện Long Điền) được Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) hỗ trợ 150 con vịt xiêm, thức ăn và thuốc cho vịt. Trong quá trình nuôi vịt, ông được Hội Nông dân hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Cứ 4 lần/tháng, đàn vịt của ông được cán bộ kỹ thuật đến kiểm tra theo dõi, điều chỉnh chế độ chăm sóc. Sau 4 tháng, đàn vịt phát triển tốt, đồng đều, lứa vịt đầu tiên của gia đình ông Sơn đã được xuất bán có trọng lượng trung bình 2,8kg/con. Với giá bán 55 ngàn đồng/kg, ông thu về 18 triệu đồng cho lứa vịt đầu tiên. Có được nguồn vốn này, ông Sơn tiếp tục mua thêm 200 con giống vịt xiêm về nuôi để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. “Lần đầu tiên cầm số tiền lớn trong tay, tôi vui lắm. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng chăm sóc đàn vịt để phát triển kinh tế ổn định, nâng cao thu nhập cho gia đình”, ông Sơn cho biết.

Gia đình ông Đỗ Văn Mỹ (ấp 1, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc) là hộ cận nghèo quốc gia đã nhiều năm nay. Không có đất sản xuất, trước đây vợ chồng ông đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Nhưng nay tuổi đã cao, công việc cũng ít người thuê hơn nên cuộc sống gặp không ít khó khăn. Tháng 10/2021, ông được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 5 con dê, trong đó có 4 con dê cái và 1 con dê đực để làm giống. Sau gần 5 tháng chăm sóc, đàn dê phát triển khỏe mạnh, 2 trong số 4 con dê cái hiện đã được phối giống và mang thai. “Không chỉ được hỗ trợ về giống, thuốc, vắc xin, tôi còn được hàng xóm cho mượn mảnh đất để trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho dê. Vợ chồng tôi đang rất háo hức và mong chờ cuối năm nay, khi dê sinh sản, gia đình tôi sẽ có thêm nguồn giống để nhân rộng, phát triển mô hình chăn nuôi dê, thu nhập sẽ ổn định hơn và thoát nghèo”, ông Mỹ cho hay.

Theo Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, trong năm 2021, đơn vị đã được UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện 5 mô hình khuyến nông cho 52 hộ hội viên nông dân nghèo trên địa bàn 14 xã thuộc 6 huyện, thị, thành: Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền, TX. Phú Mỹ, TP. Bà Rịa với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng. Những hộ này được hỗ trợ con giống, hạt giống và vật tư đầu vào như: thức ăn, thuốc thú y, thuốc BVTV, phân bón,... Kinh phí hỗ trợ cho mỗi hộ dưới 15 triệu đồng đối với mô hình trồng trọt; dưới 20 triệu đồng đối với mô hình chăn nuôi. Ngoài hỗ trợ về đầu vào, trong quá trình thực hiện, các cấp Hội cũng như đội ngũ cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi hỗ trợ, kiểm  tra, hướng dẫn người dân về khoa học kỹ thuật, phòng tránh dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cho biết, các mô hình được xây dựng trên cơ sở phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, phù hợp với nguyện vọng và điều kiện đầu tư sản xuất của hộ hội viên nông dân nghèo. Hội Nông dân tỉnh phối hợp Sở LĐTBXH, Hội Nông dân các huyện và địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các mô hình trong năm 2021. Bước đầu kết quả cho thấy tất cả các hộ hội viên nông dân nghèo đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, đạt hiệu quả như mục tiêu đã đề ra. “Chúng tôi đã triển khai đăng ký danh sách và tiến hành khảo sát các hộ do địa phương cung cấp để tiếp tục thực hiện kế hoạch trong năm 2022. Hội Nông dân các cấp sẽ tiếp tục tổ chức nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững cho hội viên nông dân nghèo trên địa bàn tỉnh ngày càng đạt hiệu quả hơn”, ông Vinh thông tin thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

 
;
.