.

Hàng hóa, dịch vụ tăng theo giá xăng dầu

Cập nhật: 16:21, 13/03/2022 (GMT+7)

Giá xăng dầu tăng lần thứ 7 liên tiếp từ đầu năm đến nay tác động tiêu cực lên giá cả hàng hóa, dịch vụ. Trong khi đó, hàng loạt tàu cá đành phải nằm bờ vì càng vươn khơi càng dễ thua lỗ.

Hàng loạt tàu cá lớn tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền phải nằm bờ do giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian qua.
Hàng loạt tàu cá lớn tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền phải nằm bờ do giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian qua.

Hàng hóa, dịch vụ tăng giá

Anh Nguyễn Sơn, một shipper cho biết, đặc thù công việc của anh phải di chuyển liên tục trên các tuyến đường nên việc xăng tăng giá ảnh hưởng đáng kể đến chi phí, thu nhập hàng ngày. “Trước đây, chúng tôi mỗi ngày giao 30 đơn hàng với giá 5.000 đồng/đơn và còn có đồng ra đồng vào. Còn với giá xăng như hiện nay, sau khi trừ xăng xe thì chúng tôi không đủ chi phí sinh hoạt”, anh Sơn chia sẻ.

Trong khi đó, các DNNVV cũng khó cầm cự trước các đợt tăng giá xăng dầu liên tục vừa qua. Điển hình như Công ty CP TM-DV vận tải xây dựng 121 (TP. Bà Rịa) đã buộc phải tăng chi phí giao lắp cho khách hàng tùy theo độ dài tuyến đường lên thêm từ 1-3%. Ông Trần Minh Cảnh, Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Hiện nay công ty buộc phải tăng giá một số sản phẩm khi đơn vị cung ứng hàng hóa báo giá tăng. Cụ thể, hãng Daikin đã tăng giá 2% vì vậy, giá bán lẻ các mặt hàng điện máy của hãng này tại cửa hàng cũng tăng tương ứng. Một số hãng khác cũng đã thông báo sẽ tăng giá từ 1-3% trong thời gian tới. Việc tăng giá cũng khiến sức mua giảm nên công ty chỉ nhập nhàng theo đợt và tạm dừng các chương trình khuyến mãi để nghe ngóng tình hình”.

Tương tự, theo ông Phan Đình Luận, Giám đốc Công ty TNHH tinh dầu Hằng Phan (TP. Vũng Tàu), DN cũng đang lao đao trước tình hình cơn bão giá. Hiện tổng chi phí đầu vào phục vụ cho sản xuất tinh dầu như nguyên liệu, cước vận chuyển, giao nhận hàng hóa đã tăng từ 20-30%. “Các DN nhỏ như chúng tôi khi giá xăng dầu hay nguyên liệu tăng sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, bởi việc ký kết mua nguyên liệu không đủ lực để đàm phán với đối tác cả năm. Bên cạnh đó, việc vận chuyển giao nhận hàng hóa là trực tiếp đến khách hàng mua lẻ nên chi phí vận chuyển nhiều. Dù chi phí đầu vào đã tăng thêm 20-30% nhưng DN vẫn giữ giá bán lẻ và tiết giảm các chi phí đầu vào không cần thiết, giảm trữ nguyên liệu và chuyển sang sản xuất từng đợt để nghe ngóng, nắm bắt tình hình chung”, ông Luận bày tỏ.

Còn tại các chợ truyền thống, quán ăn, giá nhiều loại thực phẩm cũng tăng lên. Khảo sát tại một số quán ăn trên các đường Lê Lai, Nguyễn Văn Trỗi, Bình Giã, lê Hồng Phong sáng 13/3, giá tô bún, phở, hủ tíu… đã tăng thêm từ 2.000-10.000 đồng/tô. Đa số các chủ cửa hàng lý giải do giá xăng, giá gas tăng mạnh buộc họ phải tăng giá bán sản phẩm.

Còn tại các chợ, nhóm mặt hàng rau củ quả cũng tăng thêm từ 5.000-7.000 đồng/kg. Theo đó, xà lách Đà Lạt là 65.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng); bông cải xanh, trắng có giá 58.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng); các loại rau họ cải (cải ngọt, cải xanh, cải thảo...) dao động từ 25.000 - 32.000 đồng/kg (tăng 5.000 - 7.000 đồng)... Theo các tiểu thương giá cả đầu vào đều tăng nếu tiểu thương không tăng giá bán thì phải bù lỗ. Còn nếu tăng giá bán thì chợ đã ế lại càng thêm ế.

Tàu cá nằm bờ

Theo các ngư dân trên địa bàn tỉnh, giá xăng dầu liên tiếp tăng cao trong thời gian qua khiến các tàu khai thác hải sản gặp khó. Vì nếu tiếp tục duy trì chuyến biển, chủ tàu cá đối diện nguy cơ thua lỗ rất lớn, nhất là tàu đánh bắt xa bờ. Nhiều chủ tàu cá chọn phương án nằm bờ hoặc giảm chuyến biển so với trước.

Ngư dân Huỳnh Anh Vũ, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ đang sở hữu 7 con tàu có công suất từ 90-250CV chuyên nghề bẫy mực. Từ Tết Nguyên đán 2022 tới nay, gia đình ông chỉ còn 4 tàu hoạt động, 3 tàu còn lại phải nằm bờ do giá xăng dầu tăng. Theo tính toán của ông Vũ, mỗi chuyến đi biển kéo dài 15-20 ngày sẽ tiêu tốn khoảng 12.000-14.000 lít dầu/tàu (tương đương 130-150 triệu đồng), chưa kể chi phí chia cho bạn tàu, đá, thực phẩm, tiền vận chuyển hải sản lên bờ… Trong khi đó, trung bình mỗi chuyến biển ông chỉ thu hoạch được khoảng 1 tấn hải sản. Nếu trừ hết các khoản chi phí đầu vào, ông Vũ đang phải chịu lỗ từ 30-40 triệu đồng/chuyến.

Theo thống kê của ngành NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có gần 6.000 tàu cá, trong đó có 2.829 chiếc tàu các khai thác thủy sản xa bờ, 724 chiếc khai thác vùng lộng. Hiện 10-20% trong tổng số gần 6.000 tàu cá của tỉnh đang phải nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cao, chi phí hoạt động đánh bắt tăng gần một nửa. Tuy nhiên, nhiều ngư dân vẫn phải bám biển đánh bắt để kiếm sống, để có thu nhập trả nợ ngân hàng, song vẫn phải cân nhắc các phương án như giảm phương tiện ra khơi, không đánh bắt ồ ạt như mọi năm. Để tạo động lực cho ngư dân vươn khơi, bám biển, thời điểm này Nhà nước cần triển khai áp dụng các chính sách hỗ trợ giá xăng, dầu cho ngư dân. Song song đó nên phát triển thêm đội tàu dịch vụ nghề cá để cung cấp nhiên liệu, lương thực cho ngư dân yên tâm hoạt động dài ngày trên biển.

“Trước đây mỗi chuyến biển chi phí chỉ khoảng 120 triệu đồng thì nay đã đội lên đến 30-40%. Mùa này gió chướng, việc đánh bắt gặp nhiều khó khăn, trong khi giá hải sản không tăng nên dù có ra khơi cũng không đủ chi phí trả cho bạn thuyền. Nếu giá dầu vẫn tiếp tục tăng, chúng tôi buộc lòng phải để những tàu còn lại nằm bờ để tránh thiệt hại lớn”, ông Vũ cất giọng buồn bã.

Tương tự, ngư dân Nguyễn Văn Đông (ngụ tại TP. Vũng Tàu) cũng đang điêu đứng trước tình trạng giá xăng dầu “nhảy múa”. Trong hai chiếc tàu cá, một chiếc công suất 400CV đang phải nằm bờ từ trước Tết đến nay. “Từ sau Tết Nguyên đán, chỉ nghĩ giá giá dầu chỉ tăng 1,2 kỳ rồi giảm để tiếp tục ra khơi nhưng đến nay giá xăng dầu đã tăng liên tục 7 lần. Với tình hình giá cả như hiện nay, trong khi đánh bắt thủy hải sản hiện cũng khó khăn do nguồn hải sản suy giảm, lại phụ thuộc vào thời tiết nên không ngư dân nào dám mạo hiểm ra khơi”, ông Đông chia sẻ.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU - HỒNG PHÚC

.
.
.