Giá dầu tăng và những rủi ro tiềm ẩn
Nắm bắt xu hướng giá dầu trên thị trường gần đây liên tục tăng cao, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã thúc đẩy các giải pháp kỹ thuật, gia tăng sản lượng, qua đó giúp doanh thu 2 tháng đầu năm tăng 46%.
Giàn xử lý trung tâm Sao Vàng - Giàn khai thác khí tự nhiên tại bể Nam Côn Sơn. |
Nhiều DN dầu khí thu lãi lớn
Thông tin tại buổi họp giao ban trực tuyến điều hành sản xuất, kinh doanh thường kỳ tháng 3 với thủ trưởng các đơn vị trong tập đoàn, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: Từ đầu năm đến nay, với sự chủ động trong công tác dự báo, linh hoạt trong điều hành, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tận dụng, đón đầu cơ hội nên các hoạt động trong toàn Tập đoàn tiếp tục hoàn thành vượt mức kế hoạch, tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Trong 2 tháng đầu năm, khai thác dầu của Petrovietnam đạt 1,78 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch 2 tháng. Sản xuất xăng dầu, đạm và các sản phẩm khác vượt kế hoạch đề ra; sản xuất điện, khí gia tăng so với tháng trước. Tổng doanh thu đạt 118,73 ngàn tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch và tăng 46% so với cùng kỳ 2021.
Một số đơn vị trực thuộc của PVN hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí như: Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro)… cũng đạt lợi nhuận “khủng” trong 2 tháng qua. Cụ thể, 2 tháng đầu năm, PVEP đạt 3.575 lợi nhuận trước thuế, tăng 82% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch 2 tháng 219% và đã hoàn thành 62% kế hoạch cả năm 2022. Vietsovpetro cũng đạt 2.578 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm, tăng 163% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực phân bón cũng có tốc độ tăng trưởng “thần tốc” trong 2 tháng đầu năm của PVN. Chẳng hạn, tại Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – PVFCCo (Đạm Phú Mỹ - DPM) 2 tháng qua lãi trước thuế 1.422 tỷ đồng, hoàn thành 846% kế hoạch 2 tháng, tăng gấp 11,56 lần so với cùng kỳ. DPM đã vượt 26% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2022.
Tăng cường dự báo, ứng phó với khủng hoảng giá dầu
Công nhân PV GAS trong giờ sản xuất. |
Theo đánh giá của Petrovietnam, mặc dù giá dầu tăng cao đã hỗ trợ cho hoạt động dầu khí nhưng cũng đem lại rủi ro do thị trường biến động nhanh, khó dự báo. Giá dầu tăng cao kéo theo chi phí sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá thành sản phẩm tăng… qua đó sẽ ảnh hưởng đến mức tiêu thụ. Đặc biệt, tác động từ tình hình xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước làm gia tăng áp lực lạm phát, đẩy nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước tình hình đó, giữa tuần qua, Tổng giám đốc Petrovietnam đã tổ chức cuộc họp để nhận định những ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của đơn vị; đồng thời ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác dự báo, xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với khủng hoảng chính trị và giá dầu. Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị cho biết đã chuẩn bị các giải pháp ứng phó.
Ông Trần Hồng Nam, Tổng giám đốc PVEP cho rằng, ngoài thuận lợi trong ngắn hạn khi giá dầu tăng, rủi ro sắp tới là rất lớn, khó dự báo được về lạm phát, chi phí tăng, khủng hoảng kinh tế, nhu cầu tiêu thụ giảm sút, ảnh hưởng đến các hợp tác trong lĩnh vực năng lượng… PVEP đã có những kế hoạch sản xuất phù hợp, rà soát danh mục đầu tư, nhằm đáp ứng trước biến động của thị trường, dự phòng rủi ro, cũng như tận dụng những cơ hội có thể có.
Tàu dịch vụ hoạt động trên mỏ Bạch Hổ. |
Tổng giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm cho biết, Vietsovpetro đang theo dõi sát sao tình hình, xem xét và đề ra các phương án ứng phó trước tác động của xung đột chính trị và tùy theo tình hình diễn biến có kịch bản ứng phó tương ứng.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao kết quả đạt được cũng như các phương án ứng phó sắp tới của các đơn vị. Đồng thời, yêu cầu thời gian tới các đơn vị tiếp tục cập nhật đánh giá tình hình khủng hoảng chính trị Nga - Ukraine để điều hành kịp thời với thực tiễn; cập nhật, dự báo tình hình thị trường: giá cả, cung – cầu, tồn kho,… với từng sản phẩm, lĩnh vực hoạt động để có giải pháp quản trị, điều hành hiệu quả.
Ông Lê Mạnh Hùng giao các Phó Tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực theo dõi sát sao hoạt động của các đơn vị trong khối, giải quyết kịp thời kiến nghị của các đơn vị, phối hợp trong dự báo, điều chỉnh kế hoạch, quản trị danh mục đầu tư, phát triển chuỗi liên kết giá trị hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của các đơn vị.
Bài, ảnh: HOÀNG MINH