.

Hàng hóa trước áp lực tăng theo giá xăng

Cập nhật: 20:21, 28/02/2022 (GMT+7)

Giá xăng tăng cao trong thời gian gần đây đã tạo áp lực cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng rục rịch tăng theo.

Giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian gần đây đã tác động đến giá cả tiêu dùng. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại cửa hàng HC Mart (TP. Vũng Tàu).
Giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian gần đây đã tác động đến giá cả tiêu dùng. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại cửa hàng HC Mart (TP. Vũng Tàu).

Thực phẩm rục rịch tăng giá

Khảo sát tại một số chợ truyền thống trên địa bàn TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa, Long Điền… cho thấy, các loại thực phẩm như rau xanh, thủy hải sản, thịt heo… đã rục rịch tăng giá từ 10-20% so với cách đây 1 tháng.

Theo các tiểu thương, giá xăng dầu tăng kéo theo giá cước vận chuyển tăng cao gần gấp rưỡi so với trước Tết. Điều này khiến nhiều mặt hàng phải tăng giá bán từ 1-2 ngàn đồng/kg để bù cho các chi phí phát sinh. Bà Phạm Thị Ngọc Bích, tiểu thương chợ Long Điền (huyện Long  Điền) cho biết, giá hải sản tươi bà lấy từ các đầu mối đã tăng thêm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, do chi phí mỗi chuyến biển đã tăng lên theo đà tăng của giá xăng dầu. Mặc dù vậy, giá hải sản bán lẻ bà cũng chỉ dám tăng thêm từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. “Sau Tết, sức mua tại chợ giảm, hàng hóa lấy về bán không được nay lại bị tác động của giá xăng dầu nên ế càng thêm ế”, bà Bích nói thêm.

Trong khi đó, chị Nguyễn Dung, chủ lò bánh mì trên đường Bình Giã, TP. Vũng Tàu cũng thông tin, đợt nhập nguyên liệu gồm bột mì, dầu ăn bơ… phục vụ cho việc sản xuất bánh mì, chị phải trả thêm 20% chi phí đầu vào do nhà cung cấp tăng giá do xăng dầu tăng giá làm phát sinh các chi phí sản xuất. “DN lớn còn cố gồng mình cầm cự chứ như cơ sở nhỏ như chúng tôi thì khó khăn hơn. Nếu tình hình xăng dầu còn tiếp tục tăng thì giá nguyên liệu đầu vào cũng khó mà giảm, đến lúc đó buộc chúng tôi phải tăng giá bán”, chị Dung than thở.

Giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian gần đây đã tác động đến giá cả tiêu dùng. Trong ảnh: Người dân mua thịt heo tại Lotte Mart Vũng Tàu.
Giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian gần đây đã tác động đến giá cả tiêu dùng. Trong ảnh: Người dân mua thịt heo tại Lotte Mart Vũng Tàu.

Áp lực cho DN bán lẻ

Đại diện các siêu thị như Co.op Mart Vũng Tàu, Bà Rịa, MM Mega Market Vũng Tàu, Lotte Mart Vũng Tàu… cho biết, sau những đợt tăng giá xăng gần đây đã ít nhiều tác động đến DN, trong đó chủ yếu là chi phí ở khâu vận chuyển, giao hàng online. Bởi hiện các DN bán lẻ hàng hóa này đang thực hiện việc giao hàng miễn phí cho khách hàng. Vì vậy, khi giá xăng tăng cũng đồng nghĩa với việc họ phải bỏ thêm một khoản tiền bằng với mức giá tăng của một lít xăng.

Ông Ngô Thanh Hưởng, Giám đốc MM Mega Market Vũng Tàu cho biết, DN thường ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng hàng hóa theo năm nên xăng dầu tăng giá cũng không tác động ngay đến giá tiêu dùng. “Tuy nhiên, nếu giá xăng vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới có thể sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các nhà cung cấp cho khâu sản xuất, vận chuyển... Đến lúc đó DN cũng sẽ phải có kế hoạch làm việc lại với đơn vị cung ứng hàng về giá cả cụ thể”, ông Hưởng nói.

Ông Lê Thanh Tú, đại diện Công ty TNHH Phú sỹ Foods cho biết, dù vừa phục hồi sau Tết Nguyên đán nhưng cũng như nhiều DN khác, công ty cũng bị ảnh hưởng từ giá xăng dầu tăng gần đây. Công ty thường xuyên nhập hàng từ các DN ngoại tỉnh nên khi giá xăng tăng kéo theo cước phí vận chuyển, giá hàng hóa từ đơn vị cung ứng tăng.

“Dù giá đầu vào đã tăng nhưng hiện nay DN vẫn đang cố gắng bán hàng với giá bình ổn cho người dân như trước Tết. Nếu thời gian tới giá xăng dầu không giảm nhiệt và giá đầu vào vẫn ở mức cao, DN buộc phải tính toán để đưa ra mức giá mới phù hợp”, ông Tú nói.

Theo chuyên gia kinh tế TS.Nguyễn Bích Lâm, trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tùy theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Vì vậy, khi giá xăng dầu tăng sẽ tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá hàng hoá trong khâu lưu thông.

Điều này không chỉ tác động đến người tiêu dùng, DN mà còn tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

Công bố của Tổng cục Thống kê ngày 28/2 cho thấy, giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước; tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12/2021. Bình quân 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 1 nhóm hàng giảm giá. Trong 10 nhóm hàng tăng giá, tăng cao nhất là nhóm giao thông (tăng 2,35%) so với tháng trước, tập trung vào những mặt hàng sau: Giá xăng, dầu tăng 5,8% so với tháng trước làm chỉ số giá tiêu dùng chung tăng 0,21 điểm phần trăm do ảnh hưởng của 3 đợt tăng giá vào ngày 21/1/2022, 11/2/2022 và ngày 21/2/2022. Nhóm tăng giá cao thứ hai là chỉ số giá vàng (tăng 1,85%), giá vàng trong nước tăng biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Ngoài ra, một số nhóm tăng giá cao tiếp theo là nhóm thực phẩm (tăng 1,69%); nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng (1,68%);  nhóm ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 1,54%)...

 

.
.
.