Gia tăng áp lực cho các DN xuất khẩu sang Nga, Ukraine

Thứ Tư, 09/03/2022, 18:22 [GMT+7]
In bài này
.

Xung đột Nga – Ukraina; các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ của phương Tây đã gây ra tác động toàn diện và sâu sắc đến kinh tế thế giới. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi đối mặt với rủi ro về thanh toán quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng cho các hoạt động xuất nhập khẩu.

Xung đột Nga - Ukraine khiến giá vận chuyển tăng, việc thanh toán bị ảnh hưởng.  Trong ảnh: Sản xuất hàng thủy sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood.
Xung đột Nga - Ukraine khiến giá vận chuyển tăng, việc thanh toán bị ảnh hưởng. Trong ảnh: Sản xuất hàng thủy sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood.

Lo ngại hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng

Công ty CP chế biến XNK thủy sản tỉnh (Baseafood) có lượng hàng xuất khẩu sang Nga, Ukraine, Belarus chiếm khoảng 25%. Do đó, hoạt động xuất khẩu của DN trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Baseafood cho biết, đến thời điểm này các đơn hàng vẫn được xuất đi bình thường. Tuy nhiên, thời gian tới do các biện pháp trừng phạt nên việc vận chuyển hàng hóa, bằng tàu biển hay hàng không đều gặp khó khăn.

Một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn hàng vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga. Giá cước vận tải sẽ tiếp tục tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại hàng hóa. Cụ thể, những đơn hàng của công ty đến các thị trường này chuẩn bị xuất đi sang Ukraine sẽ không cập được cảng nếu đi bằng đường biển, vì toàn bộ hệ thống cảng biển tại Ukraine đều không vào được, còn để nhận được hàng buộc phải cập cảng một nước thứ ba để chờ vận chuyển về Ukraine.

Điều đó đồng nghĩa với việc bên mua sẽ phải tăng thêm các chi phí lưu cảng, vận chuyển. Trong trường hợp xấu nhất, hàng không giao được buộc phải vận chuyển ngược về Việt Nam. Như vậy DN đối tác sẽ mất thêm chi phí. Tương tự, việc cấm vận hàng không cũng sẽ dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.

Một số DN thủy sản, may mặc trên địa bàn tỉnh có hàng hóa xuất khẩu đi Nga, Ukraine như Công ty TNHH chế biến thủy sản Tiến Đạt, DNTN Trung Sơn, Công ty TNHH sản xuất giày Uy Việt, Công ty TNHH E-TOP Việt Nam… cũng lo lắng việc thanh toán các hợp đồng thương mại, đối với Nga sẽ bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là liên tiếp trong thời gian vừa qua, Mỹ và các nước phương Tây đã đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm vào hệ thống ngân hàng - tài chính của Nga. Những trừng phạt này, trước mắt sẽ ảnh hưởng đến việc thanh toán nhiều hợp đồng sử dụng đồng tiền thanh toán là đô la Mỹ. Mặt khác 7 ngân hàng lớn của Nga trong đó có VTB cũng bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT). Thêm vào đó, tỷ giá đồng rub biến động, mất giá rất mạnh khiến một số nhà nhập khẩu của Nga đề nghị tạm dừng thanh toán trong 2-3 tuần để chờ tình hình ổn định. Theo các DN xuất khẩu thủy sản, việc đồng rub bị tác động mạnh, giá vận chuyển tăng, trong khi hợp đồng đã ký nên không thể điều chỉnh dẫn đến giá bán sản phẩm tăng cao, khiến DN nơi tiêu thụ sản phẩm chịu lỗ.

Cần đa dạng thị trường, thanh toán

Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương thông tin, qua rà soát tình hình xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc xuất khẩu sang các thị trường Nga, Ukraine tính đến thời điểm này chưa bị tác động nhiều.

Từ đầu năm đến nay, vẫn thực hiện cấp C/O đi các nước Nga, Ukraine, Belarus và các nước liên minh kinh tế Á - Âu. Tuy nhiên, do tình hình chiến sự căng thẳng nên cũng tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó chủ yếu liên quan đến việc vận chuyển, thanh toán hợp đồng do Nga bị trừng phạt liên quan đến các hoạt động tài chính.

Thời gian tới, Sở sẽ theo sát và cập nhật diễn biến thị trường và các chỉ đạo của Bộ Công thương để kịp thời khuyến nghị các hiệp hội, ngành hàng, DN tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi ký hợp đồng với khách hàng nước ngoài. Đối với các DN đang có hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu với thị trường Nga và Ukraine, cần có kế hoạch và chủ động làm việc với các đối tác nhập khẩu về thanh toán, tiến độ giao hàng… để tránh rủi ro, đảm bảo quyền lợi. Đồng thời khuyến cáo các DN cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong các FTA giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, trước tình hình chiến sự giữa Nga - Ukraine còn căng thẳng, DN và các Hiệp hội DN cần tính toán đa dạng hóa thị trường và nguồn cung; rà soát hợp đồng và hồ sơ pháp lý để bảo đảm chủ động nếu xảy ra tranh chấp, đa dạng hóa đồng tiền thanh toán để tránh tác động và rủi ro. Bên cạnh đó là chủ động đàm phán với các đối tác về phương án vận chuyển hàng hóa, phương thức kinh doanh để tránh hàng hóa bị ách tắc và bị hư hỏng.

“Quốc hội, Chính phủ cần vào cuộc quyết liệt hơn để hỗ trợ DN, đặc biệt là trong việc đa dạng hóa thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sâu hơn và nhiều hơn về kênh thanh toán song phương và hỗ trợ DN kiểm soát rủi ro, đặc biệt là rủi ro về tỷ giá. Chính phủ cần nghiên cứu lồng ghép các giải pháp ở trên vào chương trình phục hồi, phối hợp chính sách thật tốt để vừa thúc đẩy phục hồi, vừa tháo gỡ khó khăn cho DN, vừa kiểm soát lạm phát”, TS. Cấn Văn lực đề xuất.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.