Công nghiệp kỳ vọng nhiều bứt phá

Thứ Năm, 17/03/2022, 17:40 [GMT+7]
In bài này
.

Với nhiều dự án mới đi vào hoạt động, cùng sự ưu tiên tập trung các lĩnh vực trọng điểm, ngành công nghiệp của tỉnh kỳ vọng sẽ có nhiều bứt phá trong năm 2022.

Người lao động thực hiện việc sản xuất tấm thạch cao tại Nhà máy Yoshino Gypsum Việt Nam.
Người lao động thực hiện việc sản xuất tấm thạch cao tại Nhà máy Yoshino Gypsum Việt Nam.

Nhiều dự án đi vào hoạt động

Những ngày này Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard & Packaging (KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, TX. Phú Mỹ) đang đang gấp rút triển khai xây dựng dự án nhà máy sản xuất giấy bìa sóng của Nhật Bản để kịp tiến độ. Dự án có vốn đầu tư 450 triệu USD.

Ông Matsumuru Hirosh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard & Packaging cho biết, dự án được áp dụng công nghệ vận hành và quản lý hoàn toàn theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Khi đi vào hoạt động DN sẽ cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, xuất khẩu khắp thế giới. Nhờ cơ sở hạ tầng trong KCN đồng bộ và sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời của Ban Quản lý KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 về các thủ tục pháp lý, việc triển khai xây dựng nhà máy rất thuận lợi. Hiện nhà máy đã hoàn hành 70% khối lượng công việc và dự kiến sẽ đi vào sản xuất trong quý II/2022.  

Trước đó, sau 2 năm xây dựng, Nhà máy Yoshino Gypsum Việt Nam do Công ty Yoshino Gypsum - Nhật Bản làm chủ đầu tư (tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3) đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào tháng 9/2021, sản xuất tấm thạch cao với công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm. Dự án náy có tổng mức đầu tư 50 triệu USD, áp dụng kỹ thuật tiên tiến tại Nhật Bản.

Ông Shimojima Mikiyoshi, Giám đốc nhà máy cho biết, sản phẩm tấm thạch cao của Yoshino Gypsum được cung cấp cho thị trường trong nước. Bước sang năm 2022, với dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8%, con số này rất đáng để DN đặt mục tiêu tăng trưởng là nhà máy sẽ hoạt động 100% công suất.  Công ty cũng đang bắt tay vào xây dựng giai đoạn 2 sản xuất bột xử lý mối nối gốc thạch cao với công suất 30.000 tấn/năm.

Năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 26 dự án đi vào hoạt động, đóng góp hơn 1.030 tỷ đồng vào giá trị sản xuất công nghiệp. Báo cáo từ Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, năm 2022, tại các KCN sẽ có thêm 10 dự án đi vào hoạt động. Tuy số dự án giảm nhưng sẽ đóng góp khoảng 5.000 tỷ đồng vào giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tăng gần 5 lần so với năm 2021.  

Các KCN đã sẵn sàng chuẩn bị hạ tầng để thu hút thêm nhiều dự án mới. Trong ảnh: Hạ tầng KCN Đất Đỏ 1 đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Các KCN đã sẵn sàng chuẩn bị hạ tầng để thu hút thêm nhiều dự án mới. Trong ảnh: Hạ tầng KCN Đất Đỏ 1 đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Phát triển công nghiệp có chiều sâu

Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu thực hiện giá giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt là 344.574,71 tỷ đồng, tăng 9,82% so với năm 2021. Để đạt được kết quả trên, tỉnh đã và đang triển khai tích cực đề án và kế hoạch cơ cấu lại các ngành công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương cho biết, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp của chương trình phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho các DN ngành công nghiệp; xây dựng tài liệu quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp; triển khai dự án “Phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng và lợi thế của tỉnh” của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (PBEG); hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp có quy mô lớn, dự án trọng điểm bảo đảm tiến độ đưa vào hoạt động. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tình hình, kiến nghị cấp thẩm quyền kịp thời, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khẩn trương tổ chức công tác nghiệm thu đối với công trình công nghiệp, sớm đưa các công trình đưa vào sử dụng vận hành khai thác sử dụng theo kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, BR-VT tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, chế biến thực phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế... đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3431/QĐ-UBND ngày 25/10/2021. Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cùng với các dự án đi vào hoạt động được kỳ vọng tạo ra sự bứt phá trong lĩnh vực công nghiệp năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.