Ngoài các giao dịch quen thuộc qua Mobile Banking, Internet Banking, cà thẻ, quét QR Code... ví điện tử cũng là phương thức được nhiều người sử dụng trong thời gian qua.
Nhân viên Điện lực Vũng Tàu hướng dẫn khách hàng thanh toán tiền điện qua ví điện tử VNPay. |
Ông Nguyễn Văn Bảo Khánh (TP. Vũng Tàu) cho biết, đã sử dụng ví điện tử mà Việt Nam đang phát hành từ cách đây 5-6 năm để đặt thức ăn, quần áo, hàng tiêu dùng qua các trang mạng điện tử và thanh toán qua các loại ví điện tử như MoMo, ShopeePay, ZaloPay, VNPay, Viettel Pay…
“Tôi thấy sử dụng ví điện tử thanh toán rất tiện lợi, thông minh. Chỉ cần điện thoại cài đặt app của ví điện tử là có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi. Hơn nữa, các nhà phát hành ví điện tử có nhiều chương trình ưu đãi, voucher, mua hàng giảm giá từ 20-30% nên người tiêu dùng được hưởng lợi rất nhiều”, ông Khánh nói.
Công ty TNHH HC Group, chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng như bánh kẹo, trái cây và các loại thực phẩm nhập khẩu hoạt động được 5 năm và là một trong những DN tiên phong áp dụng hình thức thanh toán qua ví điện tử.
Bà Nguyễn Tố Oanh, Giám đốc điều hành công ty cho biết: “Ba năm trở lại đây, công ty tôi đã liên kết với dịch vụ ví điện tử VNPay. Khách hàng đến cửa hàng mua sắm hoặc đặt hàng online đều có thể thanh toán qua ví điện tử này mà không phải đi lại nhiều. Hơn nữa, sử dụng thanh toán qua ví điện tử, người tiêu dùng còn nhận được các ưu đãi từ nhà phát hành ví điện tử cũng như các mã giảm giá của ngân hàng”.
Còn bà Nguyễn Thị Thu Thủy, đại diện Forny With Nuts cho biết, hiện cửa hàng Forny With Nuts hợp tác Shopee và chấp nhận hình thức thanh toán bằng ví điện tử ShopeePay. Việc liên kết, thanh toán qua ví điện tử ShopeePay này rất tiện lợi cho cả cửa hàng và khách hàng, nhất là những khách hàng là người trẻ.
Vì ví điện tử này rất thông minh và tiện lợi. Khách hàng có thể đặt hàng trực tiếp trên trang Shopee và hưởng ưu đãi của trang, hoặc khách hàng đặt mua sản phẩm của Forny With Nuts qua trang Shopee cũng được hưởng ưu đãi tương tự.
“Chính những ưu đãi của các trang ví điện tử đã thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm nên DN cũng được hưởng lợi đó là lượng khách hàng tương tác sử dụng dịch vụ tăng lên”, bà Thủy thông tin thêm.
Theo khảo sát của các chuyên gia kinh tế, dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm và hình thức thanh toán của người tiêu dùng từ truyền thống, trực tiếp sang hình thức trực tuyến online.
Cùng với hệ thống thanh toán trực tuyến của như mobile banking, internet banking, cà thẻ, người tiêu dùng đang dần ưu tiên lựa chọn sử dụng ví điện tử cũng như thanh toán không tiếp xúc và thanh toán bằng mã QR như: MoMo, Moca, ZaloPay, Viettel Pay, Payoo, ShopeePay…
Các cổng thanh toán, ví điện tử cũng nắm bắt cơ hội chạy rất mạnh các chương trình ưu đãi khi thanh toán online khiến cho tỷ lệ thanh toán hình thức này tăng cao. Hiện các ví điện tử đang hoạt động đều cung cấp đầy đủ các tiện ích cơ bản như thanh toán điện thoại, điện, nước, Internet, thanh toán các khoản vay, phí bảo hiểm, phí dịch vụ chung cư, dịch vụ công, học phí, mua vé tàu xe, máy bay…
Ngoài xây dựng trò chơi, chương trình ưu đãi riêng, các ví còn liên kết với các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Zalora… để gia tăng trải nghiệm, tiện ích cho khách hàng.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện thị trường Việt Nam có khoảng 43 ví điện tử và tổ chức trung gian thanh toán không phải ngân hàng được chính thức cấp phép hoạt động. Con số này đã tăng gấp 7 lần so với năm 2015.
Như vậy, bên cạnh các thương hiệu “quen mặt” với người tiêu dùng nhiều năm nay như: MoMo, VNPAY, ShopeePay, ViettelPay, ZaloPay, Moca, Payoo, thị trường ví điện tử đang ngày một sôi động hơn với sự góp mặt các tập đoàn lớn có hệ sinh thái đa dạng như: VinID (thuộc VinGroup), VNPT Pay (thuộc VNPT), SenPay (thuộc FPT), MobiFone Pay (thuộc MobiFone), eM (đã được Alibaba mua lại 1 phần cổ phần và đang tích hợp vào Lazada), SmartPay, G-Pay…
Nhận định của các chuyên gia cũng cho thấy, thị trường thanh toán điện tử năm 2022 sẽ là cuộc chiến rất gay gắt. Ưu thế sẽ thuộc về ví điện tử nào có nhiều tính năng, tiện ích và ưu đãi để giữ chân được nhiều người dùng.
Tuy nhiên, để ví điện tử có thể phát triển nhanh, bền vững việc thay đổi thói quen người tiêu dùng bằng cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… tạo cơ hội cho họ tiếp cận với các hình thức thanh toán điện tử nhiều hơn.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU