Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của chương trình khuyến công, nhiều sản phẩm mới của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đã được đầu tư hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường và có cơ hội vươn xa.
Vận hành dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Nông sản Trung Hiếu. |
Thêm nhiều sản phẩm mới “xuất ngoại”
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông nghiệp và dược liệu Phong Thảo (KJS) tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đã đầu tư các máy móc, thiết bị mới 100% gồm: máy lọc vi sinh, máy thanh trùng, máy chiết rót tự động 2 trong 1 với tổng chi phí 605 triệu đồng.
Trong đó, DN được Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp tỉnh (Trung tâm Khuyến công) hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia là 291 triệu đồng. Đây là các loại thiết bị tự động hóa hoàn toàn, tiết kiệm năng lượng, hạn chế tiếp xúc của các tác nhân bên ngoài, có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Phạm Văn Phong, Giám đốc Công ty KJS cho biết, từ năm 2020 khi các loại máy móc được đầu tư mới đã giúp DN áp dụng được tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng công suất từ 1.000 chai 1 lít/ngày lên 2.000 chai 1 lít/ngày, đáp ứng được yêu cầu năng lực cung cấp của hàng xuất khẩu.
Bên cạnh chất lượng sản phẩm được bảo đảm, Công ty cũng chú trọng việc đầu tư thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm. Mỗi một đơn hàng, hợp đồng được Công ty thuê thiết kế nhãn mác sản phẩm riêng, đạt tiêu chuẩn hàng xuất khẩu.
Năm 2020, Công ty KJS tham gia chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp với 4 sản phẩm: Nước cốt nhàu, tinh dầu nhàu, nhàu sấy lạnh và mật ong hoa nhàu. Trong đó, 2 sản phẩm là nước cốt nhàu và tinh dầu nhàu được đánh giá rất cao và được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021.
Việc được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu đã mang lại cơ hội chứng thực, quảng bá sản phẩm từ trái nhàu của DN. Nhờ đó, Công ty kết nối với nhiều DN tại Hàn Quốc để xuất khẩu.
Để bắt kịp xu hướng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chế biến hạt điều nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh, năm 2021 Công ty TNHH Nông sản Trung Hiếu (huyện Châu Đức) đã đầu tư máy phân loại màu hạt điều, hiệu Anysort với giá nhập khẩu hơn 2 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, công ty được hỗ trợ 300 triệu đồng.
Máy phân loại màu hạt điều Anysort có độ chính xác 95-99,5% trong phân loại nhân điều trắng sau khi đánh vỏ lụa, giúp tiết kiệm thời gian, tăng năng suất gấp 3 lần, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu phế phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu đầu vào, góp phần bảo vệ môi trường.
Theo ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Trung Hiếu, việc đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong công đoạn phân loại hạt điều nhân trắng giúp tăng độ chính xác trong phân loại hạt, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao uy tín thương hiệu cho DN trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm của Công ty đã xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Mỹ, EU, Trung Đông, Trung Quốc….
“Việc tập trung hỗ trợ cho cơ sở CNNT đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã đáp ứng nhu cầu và mong muốn, giúp DN nâng cao trình độ kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công với Công ty nói riêng cũng như các DN nhỏ và vừa nói chung thực sự đã trở thành “đòn bẩy” tạo đà cho các sản phẩm CNNT có điều kiện vươn xa ra thị trường thế giới”, ông Vũ Văn Nghĩa cho biết thêm.
Sản phẩm nước cốt nhàu tại Công ty KJS. |
Giúp DN mở rộng thị trường
Hiện nay có nhiều sản phẩm như: cà phê, ca cao, hồ tiêu, cơ khí, nội thất… của các DN trong tỉnh đã có cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Không chỉ hỗ trợ đầu tư, để cộng hưởng điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm CNNT của tỉnh phát triển, Trung tâm Khuyến công còn hỗ trợ các DN, cơ sở có sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng cơ hội tìm kiếm thị trường.
Cụ thể, trong năm 2020, Trung tâm Khuyến công đã phối hợp với các cơ sở CNNT đăng ký tham gia 4 hội chợ tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam, 2 cuộc triển lãm, 1 hội nghị kết nối giao thương. Trong đó, hội nghị kết nối giao thương với tỉnh Lâm Đồng đã có 14 biên bản ghi nhớ hợp tác cung ứng, tiêu thụ sản phẩm giữa DN với DN, giữa DN với nhà phân phối được ký kết trực tiếp.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công tỉnh cũng đã thực hiện đa dạng các hoạt động thông tin tuyên truyền như: Đưa thông tin về cơ sở CNNT; quảng bá hình ảnh sản phẩm CNNT trên website và bản tin của trung tâm khuyến công; phối hợp Đài PT-TH tỉnh thực hiện video clip, quảng bá cho các cơ sở CNNT có sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực…
Ông Huỳnh Trung Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh cho biết, những hoạt động này đã mở rộng đáng kể độ phủ cũng như sự nhận diện của sản phẩm CNNT tiêu biểu với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, Trung tâm Khuyến công còn triển khai các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, kỹ thuật áp dụng sản xuất sạch hơn cho các cơ sở CNNT.
“Năm 2022, Trung tâm Khuyến công tỉnh sẽ linh hoạt triển khai các chương trình, đề án, bảo đảm nguồn vốn khuyến công được thực hiện hiệu quả, đúng mục đích và thiết thực nhất với đơn vị thụ hưởng”, ông Huỳnh Trung Hải cho biết thêm.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN