Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng.
Nhờ ứng dụng tưới nước tiết kiệm tự động, gia đình ông Tòng Văn Chí, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc đã giảm được chi phí sản xuất, sức lao động cho vườn nhãn của gia đình. |
Tiết kiệm gần 50% lượng nước
Huyện Xuyên Mộc là địa phương nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, tuy nhiên đây cũng là địa phương nằm trong khu vực thường xuyên phải chịu những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Các tháng mùa khô hàng năm, nguồn nước tích trữ trong công trình thủy lợi và nguồn nước mặt, nước ngầm khô cạn. Tình trạng hạn hán, thiếu nước sản xuất cục bộ diễn ra thường xuyên làm ảnh hưởng đến dân sinh, sản xuất nông nghiệp. Do vậy, để giảm thiểu tối đa tác động của việc thiếu nước cục bộ, đặc biệt là vào mùa khô, nông dân trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giúp nâng cao năng suất cây trồng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Văn Phúc (ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) đang trồng 2ha trồng nhãn cho biết, trước đây, ông thường sử dụng phương pháp truyền thống để tưới nước cho cây, với 2 công lao động ông phải mất cả ngày mới tưới xong diện tích trên, đã vậy tưới theo kiểu truyền thống tốn rất nhiều nước. Từ cuối năm 2020, ông quyết định đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, với 1.300 béc tưới, với tổng chi phí là 85 triệu đồng, đã giảm được rất nhiều công lao động, tiết kiệm được tiền điện và giảm 40%-50% lượng nước tưới so với trước đây. Theo đánh giá của ông Phúc, so với phương pháp tưới truyền thống, tưới phun sương nhỏ giọt có nhiều ưu điểm vượt trội như: tiết kiệm nước, giảm thiểu được lượng nước thất thoát, giúp đất luôn tươi xốp; tiết kiệm điện bơm nước và giảm công lao động. Ngoài ra, hệ thống tưới này còn có thể kết hợp bón phân, bón thuốc cùng nước tưới thông qua các đầu nhỏ giọt. “Từ ngày lắp đặt hệ thống tưới tự động, mỗi lần tưới vườn, tôi chỉ cần thao tác bật cầu dao, cài đặt giờ trên điện thoại rồi đi làm việc khác, chỉ một giờ đồng hồ cả vườn cây đã được tưới xong. Ngoài tiết kiệm nước, còn giảm công lao động, đất lại không bị xói mòn như trước đây”, ông Phúc nói.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Trung Hậu, ấp Tân Hiệp, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ cũng bắt đầu đầu tư hệ thống béc tưới tự động vào năm 2015 cho 5.000m2 trồng bơ. Ông Trung cho biết, qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin truyền thông, ông nhận thấy đây là công nghệ mới có rất nhiều ưu điểm mà chi phí không quá cao (khoảng 7 triệu/sào) nên đã quyết định đầu tư hệ thống tưới phun tự động. Với phương pháp tưới này, mỗi gốc cây được thiết kế 1 chiếc béc tưới nước công suất 2 lít/giờ/gốc, sử dụng máy bơm tưới vào gốc cây qua béc tưới với lượng nước “đúng địa chỉ” chính xác tới từng giọt, đảm bảo yêu cầu sinh trưởng của cây trồng trong từng giai đoạn và tiết kiệm được nước tưới. Theo ông Trung, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ hiện đại có rất nhiều ưu điểm, phù hợp với xu hướng phát triển sản xuất hiện nay như: tiết kiệm được hơn 50% khối lượng nước so với phương pháp thủ công, tiết kiệm điện năng tiêu thụ, giảm công lao động. Nhờ đó, trung bình mỗi vụ chi phí đầu tư của vườn bơ giảm khoảng 20-30% so với trước đây. Không chỉ vậy, hệ thống tưới nhỏ giọt còn không tạo thành dòng chảy nên tránh xói mòn đất, giảm đáng kể bệnh thối rễ ở cây do thừa úng nước, hạn chế lây lan dịch bệnh, giúp cây phát triển đều trong thời tiết khắc nghiệt và thiếu nước, giúp tăng năng suất, chất lượng, tạo mẫu mã sản phẩm đẹp. Qua hơn 6 năm áp dụng, mô hình tưới tự động thật sự rất hiệu quả.
Có chính sách ưu đãi cho DN
Theo Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 7.450ha cây lâu năm áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, trong đó có 887ha áp dụng biện pháp tưới tự động kết hợp điều tiết dinh dưỡng giúp gia tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tiết kiệm nước, nhân công. Việc áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất cây trồng khoảng 6 - 15% so với canh tác truyền thống; tiết kiệm chi phí công lao động để tưới và chăm sóc 30 - 50%; tiết kiệm 30 - 40% lượng nước so với phương pháp tưới truyền thống. Đặc biệt, đây là một trong những ứng dụng hiệu quả mang trong công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, biến đổi khí hậu, góp phần giảm mức độ thiệt hại sản xuất 40 - 50%.
Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục PTNT (Sở NN-PTNT) cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển thủy lợi của tỉnh theo mục tiêu tái cơ cấu ngành, có các giải pháp bảo vệ nguồn nước sạch, nước ngầm, nghiên cứu đồng bộ để tạo nguồn nước. Cùng với đó là hoàn thiện các cơ chế, chính sách như: ưu đãi, khuyến khích (tín dụng, thuế, nguồn vốn, chính sách khác) cho DN, tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, sản xuất, cung ứng các vật tư, thiết bị, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; chính sách khuyến khích DN đầu tư các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các khu/vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC