Thời điểm này, hồ tiêu, muối và một số loại cây trồng khác đang vào vụ thu hoạch; ngư dân cũng kiếm bạn tàu để ra khơi đánh bắt. Tuy nhiên, nông dân đang gặp nhiều khó khăn trong việc thuê lao động vì nguồn quá khan hiếm.
Nhiều chủ phương tiện trên địa bàn huyện Đất Đỏ chấp nhận chịu lỗ để giữ chân bạn đi biển do khan hiếm nguồn lao động. |
Giá tăng vẫn không tìm được lao động
Hiện đang là cao điểm thu hoạch hồ tiêu, tuy nhiên việc thiếu nhân công thu hái trở thành nỗi lo của nhiều hộ nông dân. Mặc dù sẵn sàng trả mức thù lao cao nhưng vẫn không có nhân công để thuê.
Từ ngày mùng 4 Tết, vợ chồng ông Trần Văn Bình (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) đã tất bật ra vườn để hái tiêu. Mọi năm, cứ phải đến mùng 10, tháng Giêng gia đình ông mới bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, ông phải tạm gác việc ăn Tết sớm hơn để bắt đầu công việc thu hái, bởi nếu không tranh thủ, hái không kịp, tiêu sẽ chín rụng hết. Những năm trước, khi việc thuê nhân công còn dễ dàng, 2ha tiêu của gia đình ông chỉ cần 10-15 người làm 2 tuần là xong, nhưng hiện giờ việc thuê nhân công hái tiêu rất khó khăn. Ông Bình cho biết, trước Tết, ông đã gọi điện cho một số mối để tìm người nhưng không ai nhận, mặc dù công thuê đã tăng so với trước đây. “Hiện tiêu đang có giá tốt, gia đình chúng tôi cũng tranh thủ tìm thuê người, nhưng dù giá thuê đang ở mức 230-250 ngàn đồng/công/ngày, ngoài ra còn phụ thêm bữa xế nữa nhưng cũng không có người”, ông Bình nói.
Cũng đang ráo riết tìm nhân công thu hoạch ruộng muối của gia đình, ông Nguyễn Văn Minh (xã An Ngãi, huyện Long Điền) cho hay, nhân công ngày càng khan hiếm, đặc biệt là với những ngành nghề đặc thù như nghề muối. Với lao động cào muối, không phải ai cũng làm được mà cần người có kinh nghiệm, nhưng số lao động đủ sức khỏe, có kinh nghiệm đều đi làm ở thành phố lớn hoặc các KCN.
Theo ông Minh, trước đây để thu hoạch 50 tấn muối, ông cần 50 lao động làm trong 1-2 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, hiện nay, ông chỉ thuê được 20-30 lao động nên thời gian thu hoạch kéo dài 6-7 giờ, làm cho chi phí sản xuất tăng lên gấp đôi, trong khi đó giá muối lại không tăng khiến người sản xuất muối truyền thống như gia đình ông gặp không ít khó khăn. Trung bình 1 tấn muối bây giờ chỉ bán được 700 đến 1 triệu đồng, trong khi đó, để thu hoạch được số muối đó phải cần 6 công, mỗi công trung bình 130-150 ngàn đồng/giờ, tính ra chi phí cho việc thuê đã hơn 1 nửa rồi, lấy đâu ra lời lãi. “Công tăng, kéo theo chi phí tăng lên cùng, những giá muối thì vẫn dẫm chân tại chỗ nên diêm dân như chúng tôi dù muốn duy trì, gìn giữ nghề truyền thống hàng chục năm nay cũng khó lòng bởi không bảo đảm thu nhập cho cuộc sống”, ông Minh bày tỏ.
Diêm dân xã An Ngãi (huyện Long Điền) phải sử dụng lao động của gia đình do không thuê được người. |
Chấp nhận lỗ để giữ chân lao động
Những ngày qua không ít chủ tàu, thuyền tại các địa phương như xã Lộc An (huyện Đất Đỏ), xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), hay xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) đang không thể xuất bến bởi không có lao động để ra khơi.
Theo các ngư dân, mặc dù những chuyến đi biển gần đây hầu như không có lãi bởi giá xăng dầu tăng cao, trong khi nguồn hải sản khan hiếm, nhiều chủ tàu vẫn phải chấp nhận chịu lỗ nhằm duy trì việc đánh bắt. Nhiều chủ tàu phải cất công đến những vùng khác để tìm kiếm bạn tàu. Ngoài ra, các chủ tàu phải gửi một số tiền trước để “giữ chân” lao động. Số tiền ứng trước thường rất lớn, nhưng hiện việc khai thác trên biển ngày càng ít đi vì ngư trường cạn kiệt nên đa số các chuyến ra khơi hầu như đều thua lỗ.
Ngành nông nghiệp đang thúc đẩy các hình thức liên kết các hộ, trang trại trong sản xuất, dịch vụ như hình thành các tổ hợp tác, HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp trong đó các thành viên của HTX có thể sử dụng công lao động của toàn bộ HTX. Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp cũng như cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp để phù hợp với xu hướng lao động nông nghiệp đang giảm dần. |
Ngư dân Huỳnh Anh Vũ (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) cho biết, ông có 7 chiếc tàu, trung bình mỗi tàu sẽ có 3 bạn và 1 tài công. Để duy trì được số lao động đi biển này, trước mỗi chuyến đi, ông Vũ phải chấp nhận bỏ ra hàng trăm triệu đồng để ứng tiền trước mới mong giữ chân được các bạn tàu. Tuy nhiên, đa số đây đều là những bạn tàu lâu năm của gia đình, còn những người mới rất khó để thuê được. “Nếu tàu nào đánh bắt tốt, chia lợi nhuận cao các bạn tàu sẽ qua đó để làm, còn những tàu nhỏ, lượng đánh bắt ít hơn sẽ khó giữ chân được bạn tàu”, ông Vũ cho hay.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, cũng như thông lệ các năm trước, thời điểm sau Tết Nguyên đán thường thiếu lao động phổ thông rất nhiều. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên năm nay càng thiếu nhân công nhiều hơn. Vì thế, ngoài việc thu hút nhân công lao động ngoài tỉnh, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thay thế sức lao động, đặc biệt là ở những khâu cần lượng lao động lớn; khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích liên kết, sản xuất theo quy mô lớn… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC