Giá trái cây lại... rơi tự do
Sau khi tỉnh Lạng Sơn ban hành thông báo tạm ngừng tiếp nhận xe chở nông sản về cửa khẩu, giá một số loại trái cây trên địa bàn tỉnh như mít thái, thanh long… đột ngột giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và kế hoạch sản xuất của nông dân.
Trong tuần qua, nhiều loại trái cây trên địa bàn tỉnh đột ngột giảm giá mạnh. Trong ảnh: Thu hoạch thanh long tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc. |
Sau thời gian giảm sâu, dịp tết Nguyên Đán Nhâm Dần vừa qua, giá thanh long trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể ở mức từ 14-18 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ ít ngày trước, khi thông tin tỉnh Lạng Sơn ngừng tiếp nhận xe nông sản, giá thanh long trên địa bàn tỉnh đã đột ngột giảm sâu, chỉ còn 1 nửa so với trước. Ông Ngô Quang Thành, ấp 2, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc đang trồng 600 trụ thanh long ruột đỏ, đợt thu hoạch sau Tết được khoảng 4 tấn. Thế nhưng hiện nay thương lái chỉ thu mua thanh long với giá 7 ngàn đồng/kg loại 1, còn hàng loại 2, loại 3 thì hầu như không ai mua.
Ông Thành chia sẻ, với 600 trụ thanh long sản xuất trái vụ này gia đình ông bỏ ra 100 triệu đồng do chi phí sản xuất vụ nghịch mùa thường rất cao. Thanh long phải đạt 15 ngàn đồng/kg trở lên mới đủ vốn chứ chưa nói tới chuyện lời lãi. Với giá bán như hiện nay, gia đình ông hiện đang lỗ khoảng 70 triệu đồng. Mặc dù giá thấp, song do vườn thanh long mới được thu hoạch nên dù thua lỗ ông cũng không dám bỏ vườn vì sợ cây còn non nếu không được chăm sóc sẽ hư hỏng hết cả vườn.
“Trước Tết, đầu tháng 12 âm lịch gia đình tôi cũng sản xuất trái vụ, cửa khẩu đóng cửa dài ngày khiến giá thanh long lúc đó rớt xuống chỉ còn 2 ngàn đồng thanh long ruột đỏ, gia đình tôi đã thua lỗ nặng nề, phải vay mượn thêm tiền để đầu tư tiếp vụ này nhưng lại tiếp tục bị thua lỗ khiến tôi rất nản lòng”, ông Thành buồn bã cho hay.
Không riêng gì người trồng, nhiều thương lái cũng đang trong thế bí khi đã đặt mua thanh long từ các nhà vườn quen, số đã thu mua hiện vẫn chưa thể tiêu thụ để thu hồi vốn. Bà Nguyễn Thị Lý, thương lái thu mua thanh long ở xã Bưng Riềng cho biết, bà đang tồn đọng mấy trăm tấn thanh long, với số vốn khoảng gần 1 tỷ đồng chưa thu về được. Nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh cũng trong tình trạng tương tự.
Không riêng gì thanh long, giá mít thái trên địa bàn tỉnh cũng đang ở mức chạm đáy, sức tiêu thụ chậm do ít người mua. Gia đình ông Nguyễn Văn Kỷ, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức đang trồng 4 sào mít thái cho biết, mùng 6 Tết giá mít Thái đã tăng lên 20 ngàn đồng, tuy nhiên sau đó giá giảm dần xuống 10 ngàn đồng/kg và đến nay chỉ còn 5 ngàn đồng/kg. Với giá bán này, vụ mít này gia đình ông Kỷ rơi vào cảnh thua lỗ nặng.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, không riêng gì trái cây trên địa bàn tỉnh mà giá các loại trái cây tại các địa phương lân cận cũng đang trong tình trạng “rơi tự do”. Ngoài nguyên nhân phía tỉnh Lạng Sơn ban hành thông báo tạm ngừng tiếp nhập xe chở nông sản về cửa khẩu từ ngày 16 – 25/2, thì hiện phía Trung Quốc ngày càng siết chặt các điều kiện tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc khiến việc thông quan gặp nhiều khó khăn, ách tắc.
Bên cạnh đó, việc duy trì hệ thống lái xe trung chuyển chuyên trách ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề thời gian thông quan. Hiện nay, giá dịch vụ khử khuẩn, xét nghiệm ở phía Trung Quốc tăng nhiều trong khi điều kiện bến bãi, bốc xếp lại giảm xuống. Lực lượng lao động bốc xếp hàng hóa ở Trung Quốc trước đây 90% là người Việt Nam nhưng do dịch bệnh nên giờ họ không thể sang được.
Trước khi hoạt động xuất nhập khẩu thanh long tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn được khôi phục, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần có kế hoạch sản xuất, thu hoạch phù hợp, hạn chế xử lý thanh long trái vụ, chờ thông tin, khuyến cáo mới từ các cơ quan chức năng.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC
Thống kê từ ngành nông nghiệp tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng hơn 500ha trồng mít Thái và 450ha trồng thanh long. Có đến khoảng 80% sản lượng mít Thái và thanh long của tỉnh được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. |