.
CỤM CẢNG CÁI MÉP-THỊ VẢI

Đầu tư để tạo lợi thế cạnh tranh tầm quốc tế

Cập nhật: 20:42, 11/02/2022 (GMT+7)

“Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) nằm trong vùng phục vụ 40% GDP của cả nước và trên 20 ngàn triệu dân chứ không phải 1,2 triệu dân của BR-VT. Do đó, cần phải phát triển CM-TV để tạo thế cạnh tranh ở tầm quốc tế chứ không phải giữa các tỉnh thành hay giữa các vùng của một quốc gia”.​ 

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh phát biểu tại buổi làm việc.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc giữa Bộ GT-VT, tỉnh BR-VT và đơn vị tư vấn - Công ty CP Tư vấn Thiết kế Cảng-Kỹ thuật biển (Portcoast) về ý tưởng quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển tỉnh BR-VT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 11/2.

Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Xuân Sang chủ trì buổi làm việc. Về phía tỉnh BR-VT còn có ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành, địa phương tham dự.

 

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao báo cáo đầu kỳ Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển tỉnh BR-VT. Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đề nghị, dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, BR-VT cần khẩn trương hoàn thiện quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để lựa chọn các mô hình phát triển cảng biển phù hợp nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của một trong hai hệ thống cảng biển đặc biệt của cả nước.

 

Thiếu đồng bộ trong quy hoạch

Báo cáo tại buổi làm việc về nội dung đầu kỳ Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển tỉnh BR-VT, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT cho biết, theo quy hoạch, cảng biển BR-VT được xác định là 1 trong 2 cảng biệt đặc biệt của cả nước, có chức năng là cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế tiếp nhận tàu container trọng tải từ 80.000-250.000 DWT và các tàu hàng tổng hợp có trọng tải đến 150.000 DWT hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.

Hiện nay, toàn tỉnh có 54 bến cảng và bến phao neo đậu, trong đó cảng biển tập trung chủ yếu tại khu vực CM-TV với 24 bến cảng đang khai thác. Năm 2021, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt hơn 113 triệu tấn, tăng 0,37%, riêng hàng container đạt 8,44 triệu TEU, tăng 11,77% so với năm 2020.

Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Đông Nam Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định tính liên kết vùng, tính thống nhất trong hệ thống, tập trung phát triển cảng cửa ngõ quốc tế tại BR-VT để tiếp nhận tàu trọng tải trên 100.000 DWT hoặc lớn hơn, kết hợp trung chuyển quốc tế; phát triển hướng mạnh ra biển.

Toàn cảnh Cảng Gemalink - một trong những cảng nước sâu hiện đại nhất Việt Nam và khu vực.
Toàn cảnh Cảng Gemalink - một trong những cảng nước sâu hiện đại nhất Việt Nam và khu vực.

Tuy nhiên, lượng hàng hóa qua cảng biển, đặc biệt là hàng container vẫn tập trung tại khu vực Cát Lái thuộc cảng biển TP. Hồ Chí Minh. Cơ sở hạ tầng phục vụ cảng biển, đặc biệt là đường bộ (cầu Phước An, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) và nạo vét luồng hàng hải để tàu lớn ra vào 24/24 chưa được triển khai như kế hoạch ban đầu.

Các công tác về quy hoạch, đầu tư, hoạt động khai thác, dịch vụ logistics hỗ trợ hoạt động cảng biển vẫn còn nhiều bất cập. Đó là, chưa có sự đồng bộ trong quy hoạch; chưa dự báo được thay đổi của ngành hàng hải thế giới về đội tàu; chưa tận dụng hiệu quả tài nguyên đường bờ, không gian mặt đất, mặt nước phát triển cảng biển tạo thành các khu bến lớn, tiếp nhận nhiều tàu lớn cùng lúc. Các bến cảng manh mún, nhỏ lẻ; thiếu bến feeder; bến sà lan; thiếu khu bến dịch vụ; chưa có đầy đủ các cơ quan quản lý hoạt động khai thác cảng biển; lượng hàng container thông quan trực tiếp tại cảng biển thấp và gần như chưa có hoạt động trung chuyển quốc tế. Dịch vụ logistics hỗ trợ hoạt động cảng biển hiện còn yếu, phân tán và manh mún, chi phí logistics cao...

Trên cơ sở nội dung báo cáo đầu kỳ Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển BR-VT, Sở GT-VT kiến nghị Bộ GT-VT và UBND tỉnh xem xét các nội dung: Thống nhất nội dung báo cáo đầu kỳ Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển BR-VT để làm cơ sở tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo; thống nhất phương án quy hoạch bến cảng Cái Mép Hạ và phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Chi tiết cảng biển BR-VT trong Quy hoạch chi tiết cảng biển Đông Nam Bộ (Nhóm 5) để làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ trình cấp thẩm quyền phê duyệt bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 3/TB-VPCP ngày 6/1/2022.

Hội tụ nhiều phương thức vận tải

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, cảng nước sâu CM-TV là tài nguyên, phục vụ cho cả vùng chứ không riêng cho BR-VT. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao Bộ GT-VT nhanh chóng nghiên cứu trình báo cáo tiền khả thi về dự án đường sắt nối từ CM-TV lên Trảng Bom (Đồng Nai) ngay trong năm 2022.

Trong 5 năm tới, BR-VT sẽ hội tụ đủ tất cả các phương thức vận tải là đường bộ, đường hàng hải, đường thủy, đường sắt và đường hàng không. Vì vậy, 2 nội dung của buổi làm việc này là rất quan trọng trong định hướng phát triển thời gian tới của cảng biển BR-VT.

“BR-VT có cả thành phố cảng biển và thành phố cảng hàng không, đó là sân bay Long Thành, tuy ở Đồng Nai nhưng thụ hưởng là cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Như vậy, BR-VT cận kề sân bay Long Thành là sân bay lớn nhất Việt Nam và cảng nước sâu tầm cỡ thế giới. Tôi cho rằng cách đặt vấn đề hôm nay của đề án nghiên cứu và điều chỉnh quy hoạch giúp cho tỉnh có tầm nhìn và xây dựng một quy hoạch tổng thể của BR-VT với các thành phần gồm: đô thị, hạ tầng du lịch, cảng biển, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao”, Bí thư Tỉnh ủy nói.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển tỉnh BR-VT được thực hiện tại các khu bến: Cái Mép (bao gồm bến cảng Cái Mép Hạ), Thị Vải, Long Sơn, sông Dinh, Côn Đảo, các bến cảng dầu khí ngoài khơi và các bến phao, khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão.

Trong đó, khu bến Cái Mép Hạ chuyển đổi chức năng từ bến tổng hợp sang bến container, tận dụng quỹ đất đường bờ và mặt nước để tăng chiều dài tuyến bến cảng tiếp nhận tàu container trọng tải lên đến 250.000 DWT (24.000 TEU) hoặc lớn hơn; chuyển đổi công năng một số bến chuyên dụng tại khu bến Thị Vải thành bến tổng hợp.

Không quy hoạch cảng container tại Bến Đình - Sao Mai; quy hoạch bến tàu khách quốc tế tại Bãi Trước; bổ sung bến LNG phục vụ Trung tâm điện lực LNG Long Sơn và bến xây dựng của Tổ hợp hóa dầu Long Sơn thành bến cảng tổng hợp trong khu bến Long Sơn; hình thành bến du thuyền, bến tàu khách nội địa theo các khu đô thị sông nước dọc theo sông Rạng và bổ sung vào quy hoạch cảng biển BR-VT.

 

 

.
.
.