Áp lực lớn từ đà tăng của giá xăng dầu

Thứ Hai, 14/02/2022, 18:54 [GMT+7]
In bài này
.

Từ đầu năm 2022 đến nay, xăng dầu đã 3 lần tăng giá liên tiếp. Việc giá xăng liên tục tăng trong bối cảnh hiện nay đang tạo áp lực đối với sản xuất và tiêu dùng.

Giá xăng dầu tăng khiến các DN kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn do gánh thêm chi phí đầu vào tăng.  Trong ảnh: Xe Hoa Mai chờ khách tại bến của DN.
Giá xăng dầu tăng khiến các DN kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn do gánh thêm chi phí đầu vào tăng. Trong ảnh: Xe Hoa Mai chờ khách tại bến của DN.

Chi phí đầu vào tăng cao

Sau khi điều chỉnh tăng giá vào chiều 11/2, xăng E5RON92 đang có giá 24.570 đồng/lít; xăng RON95-III: 25.320 đồng/lít; dầu diezel 0.05S: 19.860 đồng/lít; dầu hỏa: 18.750 đồng/lít. Mức giá này hiện đang cao nhất trong vòng 8 năm qua.

Sự tăng giá này đã tác động và đang tạo áp lực đối với sản xuất và tiêu dùng. Một trong những ngành bị tác động mạnh khi giá xăng dầu “leo thang” là kinh doanh vận tải. Bởi trong chi phí đầu vào xăng, dầu chiếm khoảng 30% doanh thu. Theo đại diện Công ty TNHH vận tải Toàn Thắng, DN có hàng trăm đầu xe chạy tuyến cố định Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh, việc xăng, dầu tăng giá khiến DN thêm gánh nặng, nhất là thời điểm này nhu cầu đi lại chưa nhiều. Hiện nay, DN vẫn giữ nguyên giá vé, giá cước hàng hóa để dần lấy lại thị trường càng khiến công ty càng thêm lao đao.

Anh Bùi Văn Định, tài xế chạy xe vận chuyển hàng hóa tại TP. Vũng Tàu cho biết, anh thường nhận vận chuyển hàng hóa theo đơn của khách với giá cước phí trong tỉnh là 15.000 đồng/km. Trước đây chạy 1 cuốc xe 30km có giá 450 ngàn đồng, trừ 30% chi phí nhiên liệu và các chi phí khác anh còn kiếm được khoảng 200 ngàn đồng. Còn như thời điểm hiện nay, giá xăng liên tục tăng nếu tính theo giá cước cũ thì thu nhập của anh giảm khoảng 20%.

“Nếu cứ đà tăng này và giữ nguyên giá cước vận chuyển cũ thì thu nhập mỗi chuyến vận chuyển hàng hóa không đủ bù chi. Vì vậy, 2 hôm nay, đối với khách gọi vận chuyển hàng hóa theo từng chuyến, tôi đã phải báo giá cước tăng thêm 2.000 đồng/km. Còn đối với hợp đồng theo chuyến đi các tỉnh đã ký hiện tôi vẫn giữ giá. Tuy nhiên, nếu xăng tiếp tục tăng tôi cũng bắt buộc phải đàm phán lại với khách hàng về giá cả nhằm bù đắp chi phí do giá xăng tăng”, anh Định cho biết thêm.

Ông Võ Quốc Phong, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Phong Phú Foods (TP. Vũng Tàu) cho biết, công ty chuyên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm đông lạnh thường xuyên nhập hàng từ các đơn vị đầu mối ở các tỉnh. Từ đầu năm đến nay, giá xăng liên tục tăng đã tạo áp lực cho DN, bởi các đơn vị cung cấp đã tăng cước vận chuyển.

“Tính đến thời điểm này, giá cước vận chuyển hàng của DN đã tăng thêm 20%. Giá vận chuyển tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm bán ra, tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi vẫn chưa tăng giá mà vẫn giữ giá cũ. Tuy nhiên, thời gian tới, nếu giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng buộc DN cũng phải tính đến phương án tăng giá để bù đắp chi phí”, ông Phong nói.

Cũng kinh doanh trong ngành thực phẩm, Công ty TNHH Phương Khoa cũng đang phải gồng gánh thêm chi phí mua nguyên liệu, vận chuyển tăng thêm do tác động từ việc tăng giá xăng dầu. Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc công ty cho biết: “Trước đây, tôi gửi một thùng hàng lên TP. Hồ Chí Minh cho khách hàng giá cước khoảng 300 ngàn đồng thì nay cũng với thùng này giá cước là 350 ngàn đồng. Trong khi đó, giá bán sản phẩm cho khách hàng vẫn giữ nguyên. Nếu xăng dầu cứ đà tăng như hiện nay, sẽ khiến chi phí sản xuất đội lên và buộc DN phải tính toán đến việc tăng giá sản phẩm bán ra để bù đắp chi phí đầu vào”.

Biến động giá xăng dầu trong nước thời gian gần đây.
Biến động giá xăng dầu trong nước thời gian gần đây.

Tác động xấu đến nền kinh tế

Giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển và điều lo ngại nhất là hiệu ứng tăng giá dây chuyền tác động đến giá cả của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Chị Phạm Thị Hiền, tiểu thương chợ Rạch Dừa chia sẻ, thời gian qua, xăng tăng giá liên tục nên các thương lái đầu mối kinh doanh thịt heo đã liên tục báo sẽ tăng giá thịt heo. Không chỉ mặt hàng thịt heo, các mặt hàng nhu yếu phẩm cũng tăng theo giá xăng dầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hóa và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không. Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Giá xăng dầu tăng tác động lên chi phí sản, xuất, hàng hóa.  Trong ảnh: người dân mua hàng tại chợ Bà Rịa.
Giá xăng dầu tăng tác động lên chi phí sản xuất hàng hóa. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại chợ Bà Rịa.

Vì vậy, Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính và DN cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu thế giới tăng cao, đồng thời nâng cao năng lực khai thác, lọc hóa dầu trong nước nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát của năm 2022 và các năm tiếp theo.

Đồng thời, cần có giải pháp tổng thể bảo đảm đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn cho nền kinh tế, đặc biệt Bộ Công thương cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế trong nước. Mặt khác, để tránh tình trạng “tát nước theo mưa”, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát chặt các phương án kê khai giá, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, tăng giá bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.