Bước chuyển mình mạnh mẽ của kinh tế tập thể

Chủ Nhật, 16/01/2022, 17:01 [GMT+7]
In bài này
.

Từ những HTX với quy mô nhỏ, lạc hậu, ít vốn, cơ sở vật chất nghèo nàn, sau 10 năm thực hiện đề án phát triển kinh tế tập thể; đổi mới tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX hiện hành, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mẽ về cả quy mô lẫn chất lượng.

Sau 10 năm chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhiều HXT trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ về cả chất lượng và số lượng. Trong ảnh: Máy đóng bao được HTX Nông nghiệp và dịch vụ An Nhứt sử dụng vào quá trình sản xuất.
Sau 10 năm chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhiều HXT trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ về cả chất lượng và số lượng. Trong ảnh: Máy đóng bao được HTX Nông nghiệp và dịch vụ An Nhứt sử dụng vào quá trình sản xuất.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật

HTX Nông nghiệp và dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền) được xem là một trong những HTX phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu sau 10 năm chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012. Đây cũng là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất để mang lại lợi nhuận tốt nhất cho các thành viên. Được thành lập từ năm 1986, với 417 thành viên, vốn điều lệ ban đầu 69 triệu đồng, diện tích sản xuất 147ha, đến nay, HTX đã có tổng nguồn vốn hoạt động 13 tỷ đồng, với 1.085 thành viên, diện tích tăng sản xuất lên 222ha. Doanh thu bình quân khoảng 27 tỷ đồng/năm.

Ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ An Nhứt cho biết, Ban Giám đốc luôn trăn trở làm sao để đưa HTX phát triển, mang lại lợi ích tốt nhất cho các thành viên. Do đó, thay vì chạy theo phong trào, HTX đã chú trọng đầu tư, lấy hiệu quả làm gốc. Xác định ứng dụng KHKT vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm là con đường duy nhất để phát triển bền vững.

Năm 2018, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, HTX đầu tư xây dựng nhà máy sấy lúa, công suất đạt 25 tấn/ngày để bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời xây dựng  kho chứa lúa cho thành viên gửi lại đến khi được giá thì xuất bán. HTX cũng được Sở NN-PTNT hỗ trợ máy sạ hàng, vùi phân, máy cấy... “Ngoài sản xuất, HTX cũng đẩy mạnh các dịch vụ cho thuê máy móc, thiết bị, nhà xưởng… để tăng thêm thu nhập cho các thành viên. Đến nay, công đoạn sản xuất, thu hoạch của HTX đều đã được cơ giới hóa 95%, giúp các thành viên giảm thời gian, công lao động, chi phí và hạo hụt trong quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản sản phẩm”, ông Thành chia sẻ thêm.

Được thành lập năm 1998, với các ngành nghề khi mới thành lập là trồng rau, lúa và nuôi tôm thâm canh, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (phường Long Hương, TP. Bà Rịa) đã trở thành một trong những HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX cho biết, trước những diễn biến thất thường của thời tiết, nguy cơ về ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, khiến năng suất, sản lượng tôm nuôi không ổn định, dễ bị dịch bệnh. Để khắc phục tình trạng đó, năm 2019, cùng với sự hỗ trợ của Liên minh HTX, các cơ quan chuyên môn về kỹ thuật, vốn, HTX đã đầu tư 5 tỷ đồng triển khai nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín trong nhà màng (gọi tắt là RAS). Thời điểm đó, đây là lần đầu tiên công nghệ này được áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Sau gần 4 năm, đến nay HTX đã quy hoạch khoảng 2ha để nuôi tôm công nghệ cao. Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hiện HTX từ nuôi 1 vụ tôm/năm trong ao đất đã tăng lên nuôi được 3 vụ/năm, năng suất đạt 50-60 tấn/vụ/4 fram nuôi, doanh thu bình quân mỗi năm khoảng 15-20 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu về 8 tỷ đồng. “Với phương thức nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, HTX đã dễ dàng kiểm soát được môi trường nuôi, yếu tố quan trọng nhất trong nuôi tôm. Nhờ đó, mô hình này đã đem lại siêu lợi nhuận cho các thành viên”, ông Chuyên cho hay.

Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng KHCN vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong ảnh: HTX Nông nghiệp công nghệ cao BR-VT sử dụng máy sấy thăng hoa vào sản xuất đông trùng hạ thảo. Ảnh: HỒNG PHÚC
Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng KHCN vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong ảnh: HTX Nông nghiệp công nghệ cao BR-VT sử dụng máy sấy thăng hoa vào sản xuất đông trùng hạ thảo. Ảnh: HỒNG PHÚC

Tạo đà cho kinh tế tập thể phát triển

Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, sau 10 năm chuyển đổi, các HTX trên địa bàn tỉnh đã hoạt động đúng với bản chất của HTX, luôn hướng tới phục vụ thành viên, nâng cao quyền, lợi ích, trách nhiệm của thành viên với HTX. Bên cạnh đó, việc hoạt động theo Luật HTX 2012 đã giúp các HTX phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả tiến bộ KHKT, nâng cao hiệu quả sản xuất, tìm kiếm thị trường đầu ra cho thành viên và nông dân.

Toàn tỉnh có 142 HTX, với 11.299 thành viên, tổng số lao động 4.748 người. Trong đó, 50 HTX đã chuyển đổi, 21 HTX chưa tổ chức chuyển đổi, ngưng hoạt động hoặc chờ giải thể; 1 HTX thực hiện chuyển đổi sang loại hình khác. Tổng vốn điều lệ của các HTX đến cuối năm 2021 hơn 480 tỷ đồng, doanh thu bình quân ước đạt 2,850 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của các thành viên, lao động đạt từ 5-5,5 triệu đồng/người/tháng.

Trong giai đoạn 2022-2030, tỉnh đặt ra mục tiêu đưa kinh tế tập thể đóng góp 10% tổng sản phẩm trên địa bàn. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc tập trung phát triển HTX đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực, tỉnh cũng khuyến khích mô hình kinh tế tập thể mở rộng quy mô, sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp; bảo đảm lợi ích thành viên... Đặc biệt, HTX được định vị là một thiết chế kinh tế nông thôn để tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Muốn vậy, bên cạnh nguồn lực nội tại, HTX đang rất cần những cú hích về chính sách, nhân lực và hạ tầng.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.