Xây dựng thương hiệu mật ong Made in Bà Rịa - Vũng Tàu

Thứ Sáu, 24/12/2021, 21:56 [GMT+7]
In bài này
.

Với lợi thế có rừng cây công nghiệp như cao su, cà phê, nhãn... nên nghề nuôi ong lấy mật phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Chất lượng mật cũng được đánh giá cao, do đó các cơ quan chức năng đang từng bước xây dựng thương hiệu mật ong “Made in BR-VT”.

Để đảm bảo chất lượng, các đơn vị nuôi ong chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu đảm bảo. Trong ảnh: Khu nuôi  ong của Công ty TNHH Sản xuất TMDV Hạnh Phúc Oganic (ấp Phú Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc).
Để đảm bảo chất lượng, các đơn vị nuôi ong chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu. Trong ảnh: Khu nuôi ong của Công ty TNHH Sản xuất TMDV Hạnh Phúc Oganic (ấp Phú Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc).

Sản phẩm mật ong Oganic

Có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 4 năm trở lại đây, thương hiệu mật ong Hạnh Phúc của Công ty TNHH Sản xuất TMDV Hạnh Phúc oganic, ấp Phú Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đã nhanh chóng được khách hàng đón nhận.

Bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty cho biết, gia đình có truyền thống làm nghề nuôi ong lấy mật hơn 20 năm kinh nghiệm. Với hơn 5.000 thùng nuôi cho sản lượng hơn 500 tấn mật/năm. Ngoài ra, đơn vị còn thu mua từ các trang trại của người nhà là 1.000 tấn/năm để xuất khẩu thô đi các nước Mỹ và châu Âu, với nhiều loại hoa như: cà phê, tràm, nhãn, vải, mật lá cao su, mật lá điều…

Để xây dựng thương hiệu của riêng mình, bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh xác định, là sản phẩm chăm sóc sức khỏe nên khi tới tay người tiêu dùng phải an toàn, chất lượng. Do đó, sản phẩm mật ong Hạnh Phúc được nuôi theo quy trình hoàn toàn theo tự nhiên hữu cơ. Ong được nuôi trong vườn hoa cà phê và di chuyển theo mùa hoa để lấy mật. Nhờ đó, sản phẩm đạt chất lượng mật ong sánh vàng, ngọt, thơm mùi đặc trưng. Bên cạnh xuất khẩu mật ong thô, công ty đang đầu tư các loại sản phẩm từ mật ong như viên nang làm từ sữa mật ong chúa, sản phẩm tinh bột nghệ sữa mật ong chúa, mật ong nguyên chất.

“Để có sản phẩm tốt tới tay người tiêu dùng, chúng tôi chú trọng đầu tư vào chất lượng sản phẩm. Trong đó, sản phẩm mật ong được nuôi và chế biến theo tiêu chuẩn Oganic. Nhờ chất lượng sản phẩm tốt, mật ong Hạnh Phúc của chúng tôi nhanh chóng người người tiêu dùng chào đón. Đến nay, sản phẩm mang thương hiệu mật ong Hạnh Phúc đã được phân phối tại nhiều nơi trong và ngoài tỉnh với sản lượng tiêu thụ gần 20 tấn mật ong/năm và 1 tạ sữa ong chúa tươi/năm”, bà Hạnh chia sẻ.

Với thương hiệu mật ong Mether nature, Công ty TNHH Kim Trúc Plus, ấp Đông Hải, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ cũng đang nỗ lực xây dựng sản phẩm mật ong “Made in Bà Rịa – Vũng Tàu”. Ngoài đầu tư về khâu nguyên liệu là khu nuôi hoàn toàn bằng tự nhiên, hiện đơn vị đang chú trọng kết hợp mật ong cùng các loại thảo dược để sản xuất sản phẩm có lợi cho sức khỏe như, mật ong chanh gừng, mật ong ngâm nghệ, mật ong sâm dây Ngọc Linh, sữa ong chúa…. Nhờ đa dạng hóa sản phẩm mà mỗi năm công ty đã xuất ra thị trường khoảng 10.000 sản phẩm/năm.

Bà Nguyễn Thanh Trúc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Trúc Plus cho biết, nguyên liệu do công ty sản xuất được làm hoàn toàn từ thiên nhiên với các chứng nhận an toàn cho sản phẩm. Ngoài thị trường trong nước, công ty cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để hướng đến xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài như Canada, Mỹ và các nước châu Á.

“Chúng tôi luôn nỗ lực để mang đến cho thị trường những sản phẩm với dòng mật ong tốt nhất, có giá trị dinh dưỡng cao nhất kết hợp với các loại thảo dược thiên nhiên để chăm sóc tốt sức khỏe cho người tiêu dùng”, bà Trúc nói.

Sản phẩm mật ong của Công ty TNHH Kim Trúc Plus, ấp Đông Hải, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ được nuôi và chế biến theo tiêu chuẩn Oganic.
Sản phẩm mật ong của Công ty TNHH Kim Trúc Plus, ấp Đông Hải, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ được nuôi và chế biến theo tiêu chuẩn Oganic.

Xây dựng sản phẩm OCOP

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 150 hộ nuôi với khoảng 6 ngàn đàn ong, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Châu Đức và Xuyên Mộc. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, 2 địa phương này có nhiều lợi thế phát triển nghề nuôi ong bởi có nhiều tràm, cao su và các loại cây công nghiệp như: điều, cà phê,... để ong có thể hút mật hoa và cho mật ngon, chất lượng mật tốt, màu mật đẹp.

Để hướng tới xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương (OCOP), các hộ nuôi ong trên địa bàn tỉnh đang hướng đến yếu tố bảo đảm chất lượng, phát triển mật ong trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, xây dựng thương hiệu một cách bài bản. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các đơn vị hiện đang chuẩn bị hồ sơ sản phẩm OCOP. Đồng thời, đăng ký nhãn hiệu, làm tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Sản phẩm mật ong đóng chai của Công ty TNHH Sản xuất TMDV Hạnh Phúc Oganic (ấp Phú Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc).
Sản phẩm mật ong đóng chai của Công ty TNHH Sản xuất TMDV Hạnh Phúc Oganic (ấp Phú Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc).

Đến nay, một số sản phẩm như mật ong nguyên chất, mật ong hoa nhãn, mật ong hoa cà phê, mật ong hoa chôm chôm của Công ty TNHH Duy Anh Bee đã được công nhận đạt 4 sao sản phẩm OCOP năm 2020.

Ông Trịnh Đức Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở NN-PTNT) cho biết: Hàng năm Chi cục đều lấy các mẫu mật của các cơ sở nuôi ong đem đi xét nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Các chi tiêu này đều bảo đảm yêu cầu đưa ra.

“Để sản phẩm mật ong có thể xuất khẩu đi nước ngoài cần lưu ý các vấn đề như: Chất lượng sản phẩm phải đạt theo tiêu chuẩn của quốc tế; số lượng mật ong cũng phải ổn định để đáp ứng các đơn hàng khi xuất khẩu đi nước ngoài. Các DN phải có sự liên kết chặt chẽ  người nuôi ong lại với nhau để xây dựng vùng nguyên liệu lâu dài để đáp ứng được sản lượng để xuất khẩu”, ông Toàn thông tin thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

 

;
.