.
PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG ĐIỆN - MỞ ĐƯỜNG THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Kỳ 2: Phủ kín điện lưới ở nông thôn

Cập nhật: 21:41, 10/12/2021 (GMT+7)

Việc đầu tư hạ tầng điện nông thôn bằng nguồn vốn ngân sách đặc biệt được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đẩy mạnh thực hiện. Sau 30 năm lưới điện phủ kín toàn địa bàn, từ thành thị đến nông thôn.

Nhân viên Điện lực Xuyên Mộc lắp đèn chiếu sáng cho tuyến đường giao thông nông thôn tại ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.
Nhân viên Điện lực Xuyên Mộc lắp đèn chiếu sáng cho tuyến đường giao thông nông thôn tại ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.

Điện lưới đã về vùng sâu, vùng xa

Trước năm 2017, gia đình ông Nguyễn Văn Cừ (tổ 11, ấp Hải Sơn, xã Phước Hưng, huyện Long Điền) và các hộ dân ở ấp Hải Sơn, nằm dưới chân núi Minh Đạm phải cùng nhau góp tiền kéo tạm đường dây điện dài gần 1km về xài chung. Tuy nhiên, nguồn cấp điện không ổn định, tỷ lệ điện hao hụt cao và tiềm ẩn nguy cơ chập cháy. Năm 2017, ngành điện đã đầu tư đường dây hạ thế ở khu vực này nên người dân đã có điện lưới để sử dụng. “Có nguồn điện lưới ổn định, việc sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân thuận lợi hơn, lượng điện hao hụt cũng giảm. Người dân không còn lo điện chập chờn, nguy cơ chập cháy”, ông Cừ vui vẻ cho biết.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Quang, ấp Trang Nghiêm, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc cũng phấn khởi vì không còn phải chạy máy phát để tưới cho hơn 1.200 gốc thanh long. Ông Quang cho biết, trước đây, do điện yếu nên việc tưới cho vườn thanh long rất khó khăn, dẫn đến tình trạng cây thiếu nước, khô héo và hay bị chết. Thế nhưng, hơn 5 năm trở lại đây, với chương trình điện khí hóa nông thôn, hệ thống lưới điện tại các xã vùng xa như Bông Trang, Bưng Riềng đã được tỉnh đầu tư, nâng cấp. Nhờ đó, nguồn điện được cung cấp ổn định, bảo đảm đủ cho nhu cầu sản xuất của bà con nông dân, nhờ đó thu nhập cũng tăng lên, đời sống vì thế cũng cải thiện hơn.

Theo báo cáo của Sở Công thương, chương trình điện khí hóa nông thôn được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện và đây cũng là tiêu chí số 4 trong xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 12/2021 có 46/47 xã đạt tiêu chí về điện nông thôn mới, đạt tỷ lệ 98%, 26/47 xã đạt tiêu chí điện nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 55,3%, 6/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đạt tỷ lệ 75%. Tỷ lệ số hộ sử dụng điện trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây luôn đạt trên 99,9%. Tình hình cung cấp điện hàng năm được bảo đảm ổn định, cung ứng đủ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, không xảy ra tình trạng quá tải, thiếu điện.

Tiếp tục đầu tư đồng bộ

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực BR-VT cho biết, năm 2017, Điện lực tỉnh đã đầu tư 29,16km đường dây trung thế ở khu vực nông thôn, với tổng vốn đầu tư 17,4 tỷ đồng. Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021, công ty tiếp tục triển khai khoảng 613km đường dây trung, hạ thế và các trạm biến áp ở khu vực nông thôn với tổng công suất hơn 29.000KVA, với tổng vốn đầu tư hơn 347,8 tỷ đồng. Đến thời điểm này, tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,9%. Có điện lưới quốc gia, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt.

Đối với Côn Đảo, một địa phương cách xa đất liền cũng sẽ được nối điện lưới quốc gia trong thời gian tới và phương án xây dựng tuyến cáp ngầm từ Sóc Trăng để cấp điện cho huyện Côn Đảo đã được Chính phủ thông qua. Theo đó, điện sẽ được lấy từ trạm ở Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) kéo 3km đường dây trên bờ, 15km trên biển cạn và 78km cáp ngầm, cùng với một trạm biến áp 110 KV... Tổng vốn dự kiến để thực hiện là 4.800 tỷ đồng. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó có dự án đưa điện lưới quốc gia ra huyện Côn Đảo.

Mặc dù chương trình điện khí hóa nông thôn đã hoàn thành nhưng hiện nay, các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, triển khai các dự án, công trình điện nhằm nâng cao chất lượng nguồn điện. Ngoài những công trình điện nông thôn đã được đầu tư, năm 2022, ngành điện cũng dành kinh phí để tiếp tục triển khai các dự án điện tại các vùng lõm ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa; tiếp tục đưa điện đến các xã, thôn và hộ dân chưa có điện, cùng với đó sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cung cấp và đảm bảo chất lượng điện phục vụ chuyển đổi, phát triển các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp. Dự kiến kế hoạch năm 2022, ngành điện sẽ tiếp tục đầu tư 83km đường dây trung thế, 37km đường dây hạ thế, trạm biến áp có công suất khoảng 9.100KVA, với tổng mức đầu tư 73,4 tỷ đồng. Đồng thời tiếp tục triển khai các các dịch vụ thu hộ tiền điện tại các vùng nông thôn nhằm giúp người dân thuận tiện trong việc đóng tiền điện qua hệ thống ngân hàng, bưu cục hoặc các tổ chức trung gian thu hộ tiền điện…

Theo đánh giá của ngành công thương, việc ưu tiên chú trọng hạ tầng cấp điện nông thôn đã góp phần hoàn thành sớm mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Đến nay trên địa bàn tỉnh cũng không còn trường hợp hộ dân nông thôn phải mua điện qua trung gian các tổ điện xã nên người dân được hưởng giá điện như khu vực thành phố, theo khung giá quy định của Chính phủ. Thời gian tới, Sở tiếp tục rà soát và tiếp tục triển khai thực hiện tiêu chí số 4 về điện trong chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, nhất là các địa phương đang thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.