.

Kinh tế có nhiều điểm sáng

Cập nhật: 20:55, 30/12/2021 (GMT+7)

Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều điểm sáng. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Đóng gói sản phẩm sợi tại Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP)
Đóng gói sản phẩm sợi tại Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP)

Tăng trưởng hầu hết các lĩnh vực

Ngay trong những ngày cuối năm 2021, hàng loạt dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã được gấp rút hoàn thành, đưa vào sử dụng. Điều đáng nói là trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, tỉnh phải triển khai biện pháp giãn cách xã hội nhưng các chủ đầu tư vẫn nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất, kinh doanh.

Dự án nhà máy sản xuất PP và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG của Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina (Hyosung Vina Chemicals) - KCN Cái Mép, TX. Phú Mỹ là một ví dụ điển hình. Sau thời gian thi công, giữa tháng 12/2021, nhà máy đã chính thức vận hành. Dự án có tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD, bao gồm tổ hợp nhà máy sản xuất Polypropylene 1 và 2, công suất 300 ngàn tấn/năm/nhà máy; bến cảng chuyên dùng tiếp nhận tàu trọng tải 60 ngàn tấn; nhà máy sản xuất Propylene và Ethylene, công suất 600 ngàn tấn/năm và kho ngầm LPG (nằm ở độ sâu từ 110m đến gần 200m so với mực nước biển, chiều dài gần 5km), sức chứa 240 ngàn tấn.

Tính đến nay, tổng vốn giải ngân của dự án là 1,275 tỷ USD. Khi hoạt động 100% công suất, dự án dự kiến sẽ đóng góp ngân sách hàng năm khoảng 80 triệu USD; thu hút, đào tạo, sử dụng lao động có kỹ thuật cao và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động phổ thông tại địa phương. Ông Choi Young Gyo, Tổng Giám đốc Hyosung Vina Chemicals cho biết, hơn một nửa thời gian xây dựng, Hyosung Vina Chemicals gặp phải vô vàn khó khăn và thử thách do đại dịch COVID-19, nhưng việc xây dựng đã hoàn thành an toàn và đúng tiến độ mà không xảy ra bất kỳ sự cố nào. Đây có thể nói là một sự nỗ lực rất lớn không chỉ từ phía chủ đầu tư mà còn nhờ sự hỗ trợ, tạo các điều kiện thuận lợi từ phía chính quyền tỉnh BR-VT.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2021 tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến các hoạt động kinh tế - xã hội chịu nhiều tác động tiêu cực. Đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn… Trong bối cảnh đó, Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động và chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, vừa phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Với sự nỗ lực của chung của toàn tỉnh, nền kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế tiếp tục tăng trưởng so với năm 2020. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) trừ dầu khí đạt 3,57%; GRDP bình quân đầu người trừ dầu khí ước khoảng 6.940 USD/người/năm. Các dự án, công trình trọng điểm được tập trung chỉ đạo thực hiện theo lộ trình. Hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh. Công nghiệp tiếp tục duy trì vai trò ngành động lực chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, với mức tăng trưởng 4,68%. Tổng sản lượng hàng thông qua cảng Cái Mép - Thị Vải tăng 4% (đạt 79 triệu tấn), trong đó hàng container bằng tàu biển tăng 16,8%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 14,2 tỷ USD tăng 17,2%. Đây là những tín hiệu tích cực để phục hồi sản xuất trong năm 2022 và các năm tiếp theo. 

Với những kết quả khả quan đạt được, nguồn thu ngân sách của tỉnh cũng đạt 114% dự toán, qua đó đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi trên địa bàn tỉnh.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Năm 2022, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trừ dầu khí tăng 7-7,6%. Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP trong điều kiện phải thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ khó khăn, nhiều thách thức. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng đã đề ra các giải pháp trọng tâm, nhất là đối với 4 trụ cột kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022. Trong đó tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN… Đối với từng lĩnh vực như công nghiệp-xây dựng; dịch vụ, thương mại tỉnh có từng nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, tỉnh xác định lĩnh vực công nghiệp-xây dựng sẽ đóng góp 57,24%, có vai trò đặc biệt quan trọng.

Trong năm 2021, tỉnh đã thu hút đầu tư mới 76 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 38 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 2,2 tỷ USD. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt, sát sao ngay từ đầu năm. Ước tính đến ngày 31/1/2022, tỷ lệ giải ngân đạt 100% so với kế hoạch đầu năm 2021.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, để mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, cả hệ thống chính trị cần chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, làm tốt công tác dự báo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực.

“Để kinh tế bứt phá trong năm 2022, tỉnh cần tiếp tục cải cách hành chính, phân cấp phân quyền và chuyển đổi số để tạo nguồn lực, thu hút đầu tư, hướng đến chính quyền kiến tạo, phục vụ nhân dân. Tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu sở, ngành, địa phương trong việc chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tạo động lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các sở, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai ngay nhiệm vụ năm 2022, đặc biệt là các dự án đầu tư công”, ông Phạm Viết Thanh yêu cầu.

LAM GIANG

.
.
.