.

Đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng giao thông kết nối

Cập nhật: 18:54, 30/12/2021 (GMT+7)

Từ khi thành lập đến nay, tỉnh BR-VT đã chú trọng đầu tư hệ thống giao thông nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay, các tuyến giao thông quan trọng kết nối đã đang và tiếp tục được triển khai đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Đường Phước Hòa – Cái Mép (TX. Phú Mỹ) dài hơn 4,4 km, với 4 làn xe đã hoàn thành và thông xe.
Đường Phước Hòa – Cái Mép (TX. Phú Mỹ) dài hơn 4,4 km, với 4 làn xe đã hoàn thành và thông xe.

Những cung đường ngàn tỷ

Sau thời gian nỗ lực thi công, ngày 16/12 công trình Quốc lộ 56 - Tuyến tránh TP. Bà Rịa đã khánh thành đúng dịp chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, chiều dài 12,18km, 4 làn xe cơ giới. Đây là công trình giao thông trọng điểm, góp phần giảm thiểu lưu lượng hành khách và hàng hóa đi qua nội ô TP. Bà Rịa, rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa từ các KCN và hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải ra tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Quốc lộ 1 đến các khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên.

Trước đó, tuyến đường Phước Hòa - Cái Mép (TX. Phú Mỹ) dài hơn 4,4 km, với 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cũng đã hoàn thành và thông xe. Tuyến đường này nối Quốc lộ 51 với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và các KCN trên địa bàn. Đường Phước Hòa - Cái Mép là một trong 6 dự án giao thông nhằm hoàn thiện hạ tầng, tạo sự kết nối thông suốt, thuận lợi giữa đường liên cảng với Quốc lộ 51, phục vụ khai thác hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và các KCN.

Quốc lộ 56 - Tuyến tránh TP. Bà Rịa đã được khánh thành vào ngày 16/12/2021 vừa qua.
Quốc lộ 56 - Tuyến tránh TP. Bà Rịa đã được khánh thành vào ngày 16/12/2021 vừa qua.

Khởi động nhiều dự án lớn

Hiện nay, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh cơ bản đã hình thành bộ khung gồm các trục dọc và trục ngang, với 3 tuyến quốc lộ chính: 51, 55 và 56, cơ bản đáp ứng yêu cầu giao thông kết nối đối ngoại. Tuy nhiên, một số tuyến đã xuất hiện những điểm nghẽn, điển hình là Quốc lộ 51 và tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải.

Do vậy, tỉnh đang khẩn trương xúc tiến thủ tục đầu tư xây dựng cầu Phước An, nối BR-VT với tỉnh Đồng Nai nhằm tạo trục liên cảng song song với Quốc lộ 51 để kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành và cao tốc Dầu Dây - Long Thành về TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác. Ngoài ra, tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Cùng với tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu khi được triển khai xây dựng, hệ thống vận tải đa phương thức gồm đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy kết nối với BR-VT sẽ hoàn chỉnh.

Hiện nay, 3 dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, Đường Vành đai 4 đều được bố trí vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025. Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu do Bộ GT-VT có thẩm quyền thực hiện. Dự kiến, việc lựa chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thi công xây dựng công trình giai đoạn 2022-2026...

Dự án Đường vành đai 4 đoạn qua tỉnh BR-VT cũng đã được HĐND tỉnh thông qua nghị quyết đầu tư giai đoạn 1, thời gian thực hiện từ 2022-2026.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường Vành đai 4 là các dự án trọng điểm, có tính bứt phá để kết nối giao thông liên vùng. Song song đó, tỉnh cũng đầu tư tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải kết nối tất cả các cảng, KCN vào hệ thống giao thông chung; các tuyến đường đô thị, liên huyện cũng được đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng đồng bộ với các dự án giao thông liên vùng.

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, giai đoạn 2016-2020, tổng vốn ngân sách huy động cho đầu tư công gần 35 ngàn tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu vốn đầu tư công của tỉnh khoảng hơn 112 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2016-2020. Nguồn vốn đầu tư công ưu tiên phân bổ cho các dự án trọng điểm, dự án mang tính chất kết nối vùng.

BR-VT đã từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu giao thông vận tải đường bộ nội tỉnh, liên vùng, tăng cường vận tải đa phương thức kết nối liên thông các cảng biển, cảng thủy nội địa với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Tỉnh cũng quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; hoàn thiện nâng cấp, đầu tư mới hệ thống cảng hàng không, sân bay…

“Để tạo nguồn vốn đầu tư cho các công trình, cần có giải pháp tìm kiếm, huy động nguồn vốn xã hội trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tỉnh đang nghiên cứu áp dụng phương thức đầu tư PPP, kết hợp nguồn vốn ngân sách nhà nước cho công tác giải phóng mặt bằng và kêu gọi nguồn vốn xã hội”, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT cho biết mục tiêu phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bài, ảnh: CHƯƠNG NGUYỄN

 

.
.
.