Hệ thống bán lẻ "phủ sóng" khắp nơi

Thứ Năm, 16/12/2021, 21:03 [GMT+7]
In bài này
.

Ngoài hệ thống chợ truyền thống được xây dựng và thường xuyên nâng cấp, các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh ngày càng phổ biến từ thành thị đến nông thôn. Hệ thống này giúp người tiêu dùng thuận tiện trong việc mua sắm hàng hóa.

Người dân mua sắm tại Lotte Mart Vũng Tàu.
Người dân mua sắm tại Lotte Mart Vũng Tàu.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại

Chỉ tính trong vòng 5 năm qua, TP. Vũng Tàu đã có thêm 3 siêu thị quy mô lớn, 4 trung tâm thương mại, 83 cửa hàng tiện lợi và 30 máy bán hàng tự động, góp phần hoàn thiện mạng lưới bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân theo hướng văn minh, hiện đại. Dịch vụ - thương mại chiếm tỷ trọng 73,37% trong cơ cấu các ngành kinh tế, doanh thu tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 13,9%.

Hệ thống chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại trong toàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh và có mặt ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn. Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, trên địa bàn huyện có 16 chợ, trong đó 1 chợ hạng I (chợ Kim Long), 1 chợ hạng II (chợ Ngãi Giao) và 14 chợ hạng III với trên 2.500 hộ kinh doanh, đáp ứng được nhu cầu mua sắm và tiêu dùng cơ bản của nhân dân. Trong giai đoạn 2015-2020, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh xem xét ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng chợ tại 2 xã chưa có chợ là Bàu Chinh và Suối Rao; nâng cấp, cải tạo 7 chợ hiện hữu là Bình Ba, Quảng Thành, Nghĩa Thành, Láng Lớn, Cù Bị 1, 2 và Sơn Bình… Ngoài ra, huyện cũng định hướng phát triển mới 12 siêu thị hạng III; 2 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp.

Người dân mua sắm tại VinMart+ trên địa bàn TP. Vũng Tàu.
Người dân mua sắm tại VinMart+ trên địa bàn TP. Vũng Tàu.

Còn tại TX. Phú Mỹ, ngoài một số điểm thương mại dịch vụ, 1 siêu thị, 1 trung tâm mua sắm, 16 chợ và nhiều điểm bán lẻ đã hình thành. Giai đoạn 2021-2025, thị xã sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành các chợ Mỹ Xuân, Ngọc Hà; tổ chức quy hoạch xây dựng chợ, khu mua bán tập trung tại các khu vực nội ô phường Phú Mỹ, khu vực được quy hoạch nội ô đô thị thuộc các phường Mỹ Xuân, Phước Hòa, Tân Phước; xây dựng mới chợ Phước Lập (phường Mỹ Xuân), xã hội hóa chợ Phước Hòa. Bên cạnh đó, thị xã cũng dự kiến quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng các siêu thị hạng II và hạng III, trung tâm thương mại; phát triển các cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng chuyên doanh và tổng hợp ở khu dân cư, khu đô thị, phố thương mại, khu du lịch, KCN.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 189 cơ sở, gồm 88 chợ, 4 trung tâm thương mại, 11 siêu thị và 86 cửa hàng tiện ích. Các siêu thị, trung tâm thương mại được đầu tư khang trang, hiện đại với quy mô từ nhỏ đến lớn, nằm gần các khu du lịch hoặc khu dân cư. Trong khi đó, các chợ trên địa bàn thành phố cũng đã được đầu tư, cải thiện, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và du khách.

Gần hơn với khu vực nông thôn

Nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi xuất hiện ở các huyện, khu vực nông thôn trong những năm gần đây đã giúp người dân nông thôn có thêm nhiều kênh mua sắm. Chẳng hạn, hệ thống Bách hóa xanh đã mở rộng lên 51 cửa hàng tại BR-VT, vươn đến các địa phương vùng xa như ấp Vinh Sơn, xã Bình Giã (huyện Châu Đức); ấp Thạnh Sơn 3, xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc); ấp Bình An, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); xã An Ngãi (huyện Long Điền)…

Người dân mua sắm tại chợ Bà Rịa.
Người dân mua sắm tại chợ Bà Rịa.

Hiện nay, tại BR-VT, chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart (Nhật Bản) có 10 cửa hàng, Cirle K (Mỹ) 8 cửa hàng, VinMart+ 31 cửa hàng, Co.op Food có 4 cửa hàng, cùng hàng chục cửa hàng kinh doanh hàng Thái, hàng Nhật, hàng EU… Các cửa hàng này có quy mô nhỏ, diện tích từ 100-300m2 và đan xen trong các khu dân cư. Đến đây, người tiêu dùng được mua sắm trong không gian sạch sẽ, mát mẻ, nguồn gốc sản phẩm, giá cả được niêm yết rõ ràng. Hầu hết các siêu thị, cửa hàng bán lẻ hiện đại đều có website, fanpage, zalo để kết nối, mua bán trực tuyến với khách hàng. Do vậy, khách hàng có thể mua hàng mà không cần đến siêu thị hay cửa hàng, thanh toán trực tuyến qua thẻ ATM, thẻ tín dụng hoặc ví điện tử… và được giao hàng tận nơi.

Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Ngành công thương sẽ tiếp tục tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ; huy động các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại và phù hợp với từng loại thị trường. Đồng thời, ngành sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng bán hàng và văn hóa kinh doanh ở các địa phương trong tỉnh để góp phần nâng cao nhận thức của bà con tiểu thương. Đây không đơn thuần là việc kinh doanh của tiểu thương mà còn thể hiện nét đẹp văn minh thương mại”.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.