Cái Mép-Thị Vải khẳng định vị thế cảng nước sâu

Thứ Bảy, 18/12/2021, 21:12 [GMT+7]
In bài này
.

Kể từ khi được xây dựng đến nay, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải tiếp tục giữ vững vị thế cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và liên tục nằm trong danh sách các cảng có mức tăng trưởng tốt nhất thế giới, với mức tăng trên 22%/năm, cao thứ 6 trên thế giới và cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Tàu Margrethe Maersk (quốc tịch Đan Mạch) sức chở lên đến 18.340 TEU cập cảng Quốc tế Cái Mép  vào tháng 10/2020.
Tàu Margrethe Maersk (quốc tịch Đan Mạch) sức chở lên đến 18.340 TEU cập cảng Quốc tế Cái Mép vào tháng 10/2020.

Cảng nước sâu hàng đầu khu vực

Nếu như năm 2013, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải chỉ có 8 tuyến tàu mẹ thì năm 2021, đã có 32 tuyến tàu mẹ kết nối. Đây được xem là một bước phát triển nhảy vọt, chưa từng xảy ra trong suốt 11 năm khai thác của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải. Điều này cho thấy vị thế của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải trong cộng đồng hàng hải quốc tế ngày càng được khẳng định. Với 32 tuyến tàu mẹ giúp cụm cảng này trở thành khu vực có tần suất đi Mỹ cao nhất ở Đông Nam Á và mức cao tại châu Á. Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép cho biết, đây là tin rất vui cho cụm cảng Cái Mép-Thị Vải. “Điều thú vị ở chỗ, khi Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, việc giao thương với Mỹ rất quan trọng. Dù đối mặt với những khó khăn như thiếu container rỗng, cước cao… nhưng các hãng tàu vẫn ưu tiên cho Việt Nam và cụm cảng Cái Mép-Thị Vải nói riêng bằng cách đưa thêm các tuyến tàu mới vào và đưa container về. Điều này cho thấy họ đánh giá cao vai trò của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải trong hệ thống cảng biển”, ông Kỳ nói.

Các tuyến đi Bờ Đông nước Mỹ được tăng cường đã giúp giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn ở các cảng thuộc Bờ Tây nước Mỹ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một thực tế đã diễn ra từ cuối năm 2020 và trong vòng vài tháng tới vẫn khó khắc phục được. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh Cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép dự báo, những năm tới đây, nhiều hãng tàu sẽ triển khai thêm các tuyến dịch vụ mới ở cụm cảng Cái Mép-Thị Vải. Cảng Tân Cảng-Cái Mép kỳ vọng sẽ tiếp tục đón thêm tuyến dịch vụ để góp phần xây dựng cụm cảng Cái Mép-Thị Vải không chỉ là điểm đến tin cậy đối với hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam mà còn trở thành cảng trung chuyển của các nước trong khu vực.

Ông Abraham Elias, Tổng Giám đốc Hãng tàu Zim cũng thông tin, hãng này đã đưa tàu ALS APOLLO khai thác tuyến dịch vụ USWC tại Cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải. Ông Abraham Elias cho rằng, với vị thế là 1 trong 21 khu cảng trên thế giới có thể đón được tàu 200 ngàn tấn, năng lực của cụm cảng Cái Mép -Thị Vải là điều không cần phải bàn đến. Nhiều hãng tàu muốn đưa tàu vào khu vực này. “Việc các hãng tàu đồng loạt mở thêm các tuyến mới vào Việt Nam, cụ thể là vào cụm cảng Cái Mép-Thị Vải giúp duy trì sự sôi động trong hoạt động khai thác của các cảng ở khu vực này, cũng như vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 và cả những năm tới”, ông Abraham Elias nhận định.

Bốc hàng từ tàu xuống xe tại cảng Posco.
Bốc hàng từ tàu xuống xe tại cảng Posco.

Đóng góp ngân sách 12 ngàn tỷ đồng/năm

Khu vực Cái Mép-Thị Vải hiện có 35 dự án cảng biển được quy hoạch, với diện tích 1.606ha. Trong đó, 22 dự án đang hoạt động, tổng công suất hơn 142 triệu tấn/năm. Với lợi thế luồng lạch sâu, cầu cảng dài, các cảng ở Cái Mép-Thị Vải có thể đón tàu trọng tải trên 200 ngàn tấn vào làm hàng.

Theo đánh giá của Tạp chí Hàng hải Alphaliner, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đang nổi lên như là một cảng nước sâu hàng đầu khu vực Đông Nam Á. 6 năm trở lại đây, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải liên tục nằm trong danh sách các cảng có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới với vị trí thứ 6 trên thế giới và cao nhất khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, Cái Mép-Thị Vải là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ chở container đi trực tiếp châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua nước thứ ba.

Hệ thống cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đã có những đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chung và tỉnh BR-VT nói riêng. Bình quân cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đã đóng góp vào ngân sách 12 ngàn tỷ đồng/năm; đồng thời tạo đà cho nhiều ngành, nghề khác phát triển. 

Theo báo cáo của Sở Giao thông-Vận tải, toàn tỉnh hiện quy hoạch 69 dự án cảng biển, trong đó có 48 dự án đang khai thác, 4 dự án đang xây dựng, 10 dự án chưa triển khai và 7 dự án chưa có nhà đầu tư. Riêng khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải quy hoạch 35 dự án cảng biển, trong đó có 22 dự án đang khai thác, 2 dự án đang xây dựng, 9 dự án chưa triển khai và 2 dự án chưa có nhà đầu tư; tổng công suất thực tế đến tháng 3/2020 là 117,8 triệu tấn/năm.
Giai đoạn 2016-2020, tổng sản lượng hàng hóa bằng tàu biển tăng 10% (chỉ tiêu 6,5%), trong đó, hàng container bằng tàu biển tăng trưởng bình quân trên 24%/năm. Nếu chỉ tính lượng hàng bằng tàu biển, hiệu suất khai thác cảng trên địa bàn tỉnh đến năm 2019 đạt 53%. Chiếm 30% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container cả nước.
Khu vực Cái Mép-Thị Vải hiện có 35 dự án cảng biển được quy hoạch, với diện tích 1.606ha. Trong đó, 22 dự án đang hoạt động, tổng công suất hơn 142 triệu tấn/năm. Với lợi thế luồng lạch sâu, cầu cảng dài, các cảng ở Cái Mép-Thị Vải có thể đón tàu trọng tải trên 200 ngàn tấn vào làm hàng.

 

Để đạt được sự tăng trưởng ấn tượng như trên không thể không kể đến 5 yếu tố như: Tốc độ chuyển đổi phương thức vận chuyển hàng xuất nhập khẩu bằng tàu gom hàng feeder cập các cảng tại TP. Hồ Chí Minh sang vận chuyển bằng tàu mẹ trực tiếp ghé cụm cảng Cái Mép-Thị Vải diễn ra nhanh chóng. Với 12 tuyến tàu mẹ đi Mỹ hàng tuần tại cụm cảng Cái Mép-Thị Vải như hiện nay, về cơ bản, toàn bộ hàng xuất khẩu đi Mỹ và phần lớn hàng xuất khẩu đi châu Âu từ khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đã tập kết tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải để xếp dỡ hàng trực tiếp lên tàu mẹ.

Thời gian qua, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải cũng đã làm tốt vai trò cảng cửa ngõ của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước. Hàng xuất khẩu của Việt Nam đang được kết nối một cách tốt nhất ra nước ngoài, hơn hẳn hàng hóa của Thái Lan, Indonesia, Philippines.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.