Nông dân gặp khó vì chi phí sản xuất tăng cao

Chủ Nhật, 14/11/2021, 21:17 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ trong vòng 1 năm, giá phân bón đã tăng lên 110%, các loại chi phí sản xuất cũng không ngừng tăng cao. Trong khi đó, giá và đầu ra nông sản gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, khiến nông dân lao đao vì sản xuất không còn lợi nhuận.

Chi phí sản xuất tăng, trong khi giá bán luôn ở mức thấp khiến nhiều hộ trồng rau không còn mặn mà.  Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Cường, phường Long Hương, TP. Bà Rịa thu hoạch rau của gia đình.
Chi phí sản xuất tăng, trong khi giá bán luôn ở mức thấp khiến nhiều hộ trồng rau không còn mặn mà. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Cường, phường Long Hương, TP. Bà Rịa thu hoạch rau của gia đình.

Trong mấy chục năm trồng lúa tại xã An Nhứt, huyện Long Điền, ông Nguyễn Văn Dũng, chưa bao giờ chứng kiến cảnh giá các loại phân bón, thuốc BVTV tăng mạnh như trong thời gian qua. Chỉ trong vòng hơn một  năm, giá một số loại phân bón như Ure, Kali…đã tăng gấp đôi.

Ông Dũng cho biết, năm 2020 giá phân Ure chỉ 320-350 ngàn đồng/bao (loại 50 kg), nay đã lên tới 780-820 ngàn đồng/bao, phân DAP giá 700.000 đồng/bao tăng lên 1,1 triệu đồng/bao. Theo tính toán của ông Dũng, trung bình mỗi 1ha sẽ phải bón từ 150-200 kg phân Ure. Như vậy, riêng tiền ure đã từ 2,3 -2,5 triệu đồng/ha, chưa kể thuốc BVTV và các loại phân bón khác. Với chi phí đầu tư như hiện tại, vụ mùa này dù có được mùa cũng khó có lợi nhuận cao. Giá các loại phân bón tăng cao khiến chi phí đầu tư tăng đáng kể, đồng nghĩa với việc lợi nhuận sẽ giảm đi. Ông Dũng than thở, “nếu như trước đây mỗi ha chúng tôi thu về khoảng 15 triệu đồng thì nay chỉ còn khoảng 7-8 triệu, nhưng với điều kiện là lúa phải đạt năng suất cao thì may ra mới thu nhập được chừng đó”. 

Ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX NN-DV An Nhứt, huyện Long Điền cho biết, chỉ trong vòng 10 tháng  năm 2021, giá các loại phân bón đã tăng 2-3 lần. Không chỉ giá phân bón tăng và các loại chi phí khác cũng leo thang. Điển hình như giá thuê máy thu hoạch trước đây chỉ 2,5 triệu đồng/ha, nay lên 2,8 triệu/ha, công thuê phun thuốc, bón phân từ 300 ngàn đồng/công, nay lên 450 ngàn đồng, giá thuê làm đất cũng tăng 50-100 ngàn đồng/lần. Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm, chi phí sản xuất của người nông dân đã tăng 60-70%. Theo ông Thành, sở dĩ việc các loại phân bón, thuốc BVTV, công cán đều tăng là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến các giá nguyên liệu tăng. Ngoài ra, việc giá xăng xầu liên tục tăng mạnh trong thời gian qua cũng khiến các chi phí thuê máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất cũng lên giá.  

Giá phân bón, thuốc BVTV tăng cũng là nỗi lo chung của nhiều hộ trồng rau, trái cây trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Cường, KP. Hương Điền, phường Long Hương, TP. Bà Rịa cho hay, trước đây 1 sào rau ông chỉ phải đầu tư khoảng 2 triệu đồng, thì nay tăng lên đến 4 triệu đồng. Nguyên nhân là do các loại chi phí từ phân bón tới giống đều tăng cao, trong khi giá phân bón tăng gấp đôi, các loại thuốc BTVT cũng tăng 30-40%. Trong khi đó, giá rau xanh các loại hiện đang ở mức thấp, chỉ từ 5-7 ngàn đồng/kg, nên thu nhập của người nông dân giảm đáng kể. “Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới người sản xuất như chúng tôi, đã khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm nay việc sản xuất lại còn gặp khó khăn hơn”, ông Cường chia 

sẻ thêm.

Theo Sở NN-PTNT, thời gian qua, giá phân bón liên tục tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc sản xuất, canh tác của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là chi phí vận chuyển cũng tăng cao,  trong khí đó giá một số sản phẩm nông nghiệp giảm, thị trường tiêu thụ bị hạn chế. Thực trạng này dẫn đến người nông dân sản xuất không có lãi, ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất cũng như trong công tác tái sản xuất gặp nhiều khó khăn. Sở cũng đã kiến nghị đến Bộ, ngành liên quan xem xét việc giá phân bón tăng, đồng thời phối hợp ban, ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp về chất lượng phân bón, giá niêm yết bán ra thị trường theo quy định, nhằm đảm bảo quyền lợi bà con nông dân.

Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào leo thang, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo hộ dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa, đặc biệt là áp dụng biện pháp canh tác lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” để giảm chi phí đầu tư sản xuất, đảm bảo lợi nhuận sau thu hoạch...  

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.