2 tháng cuối năm là thời gian vàng của các công trình xây dựng. Tuy nhiên, khác với chu kỳ những năm trước, từ đầu tháng 11 đến nay giá vật liệu xây dựng (VLXD) tăng “sốc” khiến nhiều công trình xây dựng gặp khó khăn, nhiều người dân có nhu cầu sửa chữa nhà cửa dịp cuối năm đành tạm hoãn.
Giá gạch ống tăng 50 đồng/viên. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH VTXD Thẩm chuẩn bị gạch sắp lên xe chở đến cho các công trình xây dựng. |
Sắt, thép, xi măng tăng giá mạnh
Sau một thời gian dài đóng cửa phòng dịch, các công trình xây dựng đang trên đà tăng tốc để kịp hoàn thành đúng tiến độ trước Tết. Tuy nhiên, từ tháng 10 đến nay giá VLXD liên tục tăng. Theo khảo sát thị trường VLXD ngày 12/11, tất cả các đơn vị cung ứng VLXD trên địa bàn tỉnh từ sắt thép, bê tông, ống nhựa… đều đồng loạt tăng giá với mức tăng từ 5%-20%.
Tại Công ty TNHH vật tư xây dựng Thẩm (178, Huyền Trân Công Chúa, phường 8, TP. Vũng Tàu) có khá đầy đủ các mặt hàng gạch ống, xi măng, thép… Chị La Thị Túy Ái, Giám đốc Công ty cho biết, theo chu kỳ những năm trước, tháng 11 là tháng cao điểm nhất trong năm của ngành VLXD. Và thường thì giá VLXD cũng ổn định vào thời điểm này để đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình đầu tư công lẫn các công trình tư nhân. “Năm nay, sau khi dừng các quy định giãn cách xã hội, giá VLXD đã tăng vài lần, nhưng mỗi lần tăng chỉ 100-200 đồng/kg sắt hoặc 1.000-2.000 đồng đối với 1 bao xi măng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 11 đến nay, giá VLXD tăng rất sốc, chỉ trong vòng 1 tuần các mặt hàng như xi măng tăng đến 5.000 đồng/bao; tăng 400 đồng/kg thép. Đây là mức tăng kỷ lục nhất và “sốc” nhất từ trước đến nay”, chị Ái nói.
Theo các cửa hàng VLXD, nguyên nhân tăng giá theo các đơn vị sản xuất là do chi phí vật tư sản xuất tăng, giá xăng tăng dẫn đến giá vận chuyển tăng. Từ đó, mặt bằng giá chung của các loại VLXD đều tăng. Việc tăng giá VLXD khiến cho thị trường VLXD những tháng cuối năm kém sôi động. Bởi giá VLXD tăng nên nhiều công trình xây dựng giảm quy mô để tiết kiệm; người dân thì dè dặt khi tính toán việc xây dựng hoặc sửa chữa nhà vào thời điểm này.
Báo giá của các cửa hàng VLXD cũng cho thấy, trong số các loại VLXD thì giá xi măng tăng mạnh nhất. Cụ thể, kể từ ngày 1/11, xi măng Vicem Hà Tiên chủng loại bao 50kg tăng 80.000 đồng/tấn. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ cửa hàng VLXD Hưng Phổ (TP. Vũng Tàu) cho biết, theo các đơn vị sản xuất xi măng, giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng tăng, đặc biệt là nguồn cung than đá khan hiếm, dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng cao.
Đáng chú ý các loại vật liệu như sản phẩm PVC-U, phụ tùng PVC-U và keo dán; các sản phẩm về điện… tăng 10-20%. Theo anh Phan Văn Nhơn, nhân viên bán hàng tiệm điện Hiệp (185, Bacu, phường 4, TP. Vũng Tàu), các mặt hàng về điện để hoàn thiện cho các công trình xây dựng như dây điện, ổ cắm, phích cắm, bóng đèn, nẹp điện… tăng từ 1.000-5.000 đồng/sản phẩm, tương đương với 5-10%. Thậm chí có nhiều mặt hàng như ổ điện, ổ cắm nhập khẩu tăng 20% nhưng nhiều lúc vẫn khan hàng.
Nhà thầu lo “vỡ trận”
Trước việc giá VLXD tăng kỷ lục, không chỉ các chủ đầu tư lớn mà ngay các nhà thầu xây dựng cũng đứng trước nguy cơ “vỡ trận”. Qua khảo sát cho thấy, các nhà thầu xây dựng gặp khó khăn do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng. Do đó, đơn giá xây lắp đang bị đội cao hơn hẳn so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư.
Ông Trần Văn Lành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Tân Tiến (TP. Vũng Tàu) cho biết, trước thực trạng giá VLXD tăng cao, các chủ đầu tư đều khá lo lắng bởi chắc chắn sẽ đội chi phí công trình lên cao. Với các công trình đầu tư công được điều chỉnh giá theo thời giá thì đơn vị thầu cũng mất thời gian để thực hiện các thủ tục điều chỉnh. Với các công trình được thực hiện theo hình thức đấu thầu trọn gói thì nhà thầu phải chịu thiệt vì chi phí giá VLXD tăng cao như hiện nay là ngoài phán đoán và tính toán của nhà thầu.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tùng, một nhà thầu xây dựng các công trình nhà dân nhỏ lẻ cho rằng, các công trình xây dựng hiện nay chủ yếu là đã ký từ đầu năm 2021 hoặc từ tháng 3, tháng 4 và chủ yếu là ký theo hình thức bao trọn gói “chìa khóa trao tay” cho khách hàng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các công trình phải tạm dừng 3-4 tháng. Khi được xây dựng trở lại thì giá VLXD lại tăng chóng mặt. Vì vậy nhà thầu buộc phải thương lượng với chủ nhà hoặc phải chấp nhận giảm sâu về mặt lợi nhuận.
Ở góc độ chủ đầu tư, ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch DIC Cons, cho biết trong trường hợp giá VLXD tăng đột ngột, các chủ đầu tư cần cân nhắc 2 trường hợp để làm việc với các nhà thầu. Thứ nhất là đối với các dự án chưa công bố bán hàng, chưa khởi công xây dựng và chưa đưa vào kinh doanh, đây là những dự án chủ đầu tư vẫn còn đủ thời gian để điều chỉnh giá bán. Khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao đẩy chi phí xây dựng tăng lên, cấu thành vào giá bán, điều đó bắt buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá tăng lên. Trường hợp những dự án đã khởi công xây dựng và đang trong quá trình triển khai, chủ đầu tư sẽ không còn thời gian để điều chỉnh giá bán với khách hàng, phải chịu thiệt thòi về lợi nhuận. Bản thân các chủ đầu tư không thể cắt giảm chi phí xây dựng để đảm bảo lợi nhuận bởi ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Bài, ảnh: QUANG VŨ