Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất

Thứ Năm, 04/11/2021, 20:23 [GMT+7]
In bài này
.

Từ giữa tháng 10/2021, toàn tỉnh đã trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhờ đó, nhiều  DN ngay lập tức  tăng tốc sản xuất để bù tiến độ các đơn hàng bị chậm trước đó. Đồng thời, tiếp nhận thêm các đơn hàng mới  nhằm hoàn thành kế hoạch năm.

Công ty TNHH Pavonine Vina chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho Tập đoàn Sam Sung đã có đơn hàng tới tháng 6/2022.
Công ty TNHH Pavonine Vina chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho Tập đoàn Sam Sung đã có đơn hàng tới tháng 6/2022.

Đã có đơn hàng của năm 2022

Sau thời gian chỉ sản xuất 70% công suất,  gần 1 tháng qua Công ty TNHH Pavonine Vina (KCN B1-Tiến Hùng) phải liên tục bổ sung lao động để đưa các dây chuyền sản xuất vào hoạt động. DN cũng tổ chức cho lao động đi, về hàng ngày, bỏ thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”.

Ông Lee Minseog, Giám đốc Nhân sự cho biết, tại thời điểm này, Pavonine Vina gia công khoảng 1,5 triệu sản phẩm, đạt 75% kế hoạch năm. Hiện công ty đang tăng ca, kíp sản xuất và phấn đấu hoàn thành 2 triệu sản phẩm như kế hoạch đã đề ra. “Đến nay, chúng tôi đã có đơn hàng hết đến tháng 6/2022.  Song song với các biện pháp phòng, chống dịch, DN đang đẩy nhanh tiến độ làm trước những đơn hàng theo yêu cầu của  đối tác”, ông Lee Minseog chia sẻ thêm .  

10 tháng năm 2021, Công ty TNHH May Tân Mỹ (CCN Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ) đã sản xuất và xuất khẩu được gần 1 triệu sản phẩm, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020, doanh thu tăng 74%. Hiện nay, công ty đã ký các đơn hàng xuất khẩu tới tháng 10/2022. Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Giám đốc Công ty cho biết, khi toàn tỉnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, 30-40% lao động làm việc 3 tại chỗ, sản lượng sản xuất chỉ đạt 40%. Tuy nhiên, thời điểm này, hơn 95% người lao động đã quay trở lại làm việc. Với tình hình thực tế như hiện nay, DN cố gắng hoàn thành 85% kế hoạch sản xuất của năm 2021.

Là DN sản xuất gia công hàng may mặc xuất khẩu, chuyên về đồng phục của sinh viên các trường đại học ở châu Âu và châu Úc, Ông Tôn Chấn Vinh,  Giám đốc điều hành Công ty TNHH LT Garments (TP.Bà Rịa) cho biết, dịch bệnh gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng công ty đã nhanh chóng khôi phục được sản xuất và xuất khẩu vẫn bảo đảm tăng trưởng. Từ đầu năm đến nay, sản lượng đơn hàng của Garments tăng thêm 20% và DN đã ký các đơn hàng tới tháng 4/2022.

Nhiều DN khác cũng cho biết, dịch COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng,  gây khó khăn cho DN nhưng nhờ vào sự khởi sắc từ các thị trường xuất quan trọng như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong… nên nhiều ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh như: may mặc, giấy, chế biến gỗ, hải sản, cơ khí… có số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng. Đây là tín hiệu tốt góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra

Ghi nhận từ các DN cho thấy, có nhiều dấu hiệu khả quan để ngành công nghiệp phục hồi. Tuy nhiên, đánh giá từ ngành công thương cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng thực hiện 251.979 tỷ đồng, tăng 2,62% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với kết quả này, ngành công nghiệp vẫn  chưa đạt kế hoạch đề ra, mới đạt được 77,5% kế hoạch năm. Nguyên nhân là do các DN gặp nhiều khó khăn trong thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Ngoài ra, các DN còn gặp khó khăn trong việc nhập nguyên vật liệu đầu vào và vận chuyển hàng hóa dẫn đến giảm sản lượng sản xuất như: giày dép giảm 10,71%; sản phẩm vật liệu xây dựng bằng gốm, sứ giảm 10,38%; phân ure giảm 9,34% (nhà máy Đạm Phú Mỹ giảm sản lượng sản xuất do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 và thực hiện bảo trì máy móc, thiết bị trong những tháng đầu năm); cấu kiện kim loại giảm 8,15% (các DN sửa chữa tàu, đóng tàu, đóng mới giàn khoan không có đơn hàng mới); sản phẩm sắt thép các loại giảm 0,9%. Thị trường tiêu thụ bị sụt giảm, doanh thu, lợi nhuận cũng giảm.

Dự báo, từ nay đến cuối năm, dịch bệnh vẫn còn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguồn lao động bị hạn chế sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành các đơn hàng cuối năm. Dự kiến, giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu thô và khí đốt) năm 2021 đạt 312.746 tỷ đồng, đạt 96,19% kế hoạch, tăng 5,08% so với năm 2020. Để đạt được mức tăng trưởng này, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết,  tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng các CCN, KCN; sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án công nghiệp nhằm tăng thêm năng lực mới, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, Nhà máy sản xuất Poly propylene và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)... Đồng thời đẩy nhanh tiến độ, ưu tiên tiêm vắc   xin cho công nhân lao động trong thời gian sớm nhất; hỗ trợ hoạt động vận chuyển hàng hóa được thông suốt. Ngành công thương tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cho cộng đồng các doanh nhân, DN biết tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký kết.

Về phía các DN cần tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, giữ vững các thị trường truyền thống; duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm; giữ vững đà tăng trưởng, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm các khách hàng trong và ngoài nước nhằm đa dạng hóa thị trường.  

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
;
.