Đó là lưu ý của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 ở các tỉnh Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diễn ra sáng 1/10.
Ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng lộ trình sản xuất trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã An Nhứt, huyện Long Điền. |
Năng suất tăng
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, mặc dù ảnh hưởng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự nỗ lực chung của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, nông dân… ước tổng sản lượng khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL hơn 25,7 triệu tấn (tăng 515.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng tại BR-VT, diện tích sản xuất vụ Mùa hơn 9.607ha, đạt 105,8% so với cùng kỳ, năng suất 48,3 tạ/ha, ước sản lượng hơn 46.384 tấn. Dự kiến trong năm 2021 diện tích gieo trồng 25.388ha, năng suất 55,6 tạ/ha, ước sản lượng hơn 141.225 tấn, cao hơn năm 2020 là 130.964 tấn. Đây là kết quả ấn tượng của ngành nông nghiệp trong điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2021-2022 ở các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL gieo trồng hơn 1,6 triệu ha, tăng 2.000ha so với cùng kỳ; trong đó vùng ĐBSCL chiếm diện tích 1,52 triệu ha với sản lượng dự kiến 11 triệu tấn, tăng 35.200 tấn so cùng kỳ. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vụ lúa vụ Đông Xuân rất quan trọng và có ý nghĩa đối với việc bố trí mùa vụ sản xuất trong cả năm. Việc bố trí thời vụ lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 cần căn cứ vào thực tế sản xuất vụ Thu Đông 2021 và việc sắp xếp thời vụ sản xuất lúa của năm 2022; thời gian cung cấp nước ngọt, lượng nước có khả năng phục vụ tưới cho sản xuất lúa; tình hình tiêu thụ lúa, gạo những tháng đầu năm 2022...
Ưu tiên giống lúa chất lượng cao
Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2021-2022 toàn tỉnh gieo trồng khoảng 7.100ha lúa, 1.144ha bắp và 3.158ha rau các loại. Thông tin từ Sở NN-PTNT cho biết, xác định vụ Đông Xuân là vụ sản xuất quan trọng trong năm, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch gieo trồng, đồng thời khuyến cáo nông dân sử dụng các nhóm giống lúa thơm, chất lượng cao như OM 4900, OM 6162, OM 7347, OM 5451, OM 6600, Đài thơm 8, Nàng hoa 9; nhóm giống chất lượng trung bình như, ML 48, OM 4218, IR 50404, lúa hạt tròn 202...
Thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức nạo vét, phát quang tạo thông thoáng dòng chảy, đảm bảo công tác tưới nước phục vụ sản xuất vụ lúa Đông Xuân. Để triển khai theo đúng kế hoạch vụ Đông Xuân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, dự báo về tình hình sâu bệnh trên cây trồng để có biện pháp phòng, chống kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.
Trong bối cảnh vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch bệnh, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bám sát khung lịch thời vụ để gieo trồng, bên cạnh đó tuân thủ, duy trì thực hiện các quy định về 5K.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương cần đẩy sớm thời vụ gieo sạ vụ Đông Xuân trên diện tích 400.000ha của 8 tỉnh ven biển. Tập trung xuống giống trong tháng 10/2021 để thu hoạch sớm trước khi chịu tác động của hạn hán và mặn xâm nhập. Về cơ cấu giống cần tăng cường giống đặc sản, giống lúa thơm và chất lượng để phục vụ xuất khẩu. Đây là phân khúc thị trường với nhu cầu rất lớn của các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam. “Trong điều kiện dịch COVID -19 như hiện nay cũng như giá vật tư nông nghiệp ở mức cao thì biện pháp giảm giá thành cho sản xuất là quyết định đến tính cạnh tranh và lợi nhuận của bà con nông dân trong vụ lúa này. Các địa phương cần đẩy mạnh giải pháp khoa học kỹ thuật để giảm chi phí giá thành càng thấp càng tốt, nhằm đảm bảo lợi nhuận cho nông dân trồng lúa”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU