.

Kiểm soát, không để dịch tả heo châu Phi bùng phát trở lại

Cập nhật: 21:16, 31/10/2021 (GMT+7)

Thời gian qua, dịch tả heo châu Phi liên tiếp xuất hiện tại các địa phương trên địa bàn tỉnh với số lượng và quy mô ngày càng lớn. Điều này không những gây thiệt hại lớn cho người dân mà còn gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi.

Các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ động phòng, chống dịch tả heo Châu Phi.  Trong ảnh: Ông Nguyễn Công Tài (xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) phun khử chuồng trại.
Các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ động phòng, chống dịch tả heo Châu Phi. Trong ảnh: Ông Nguyễn Công Tài (xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) phun khử chuồng trại.

Nhiều ổ dịch mới xuất hiện

Nhìn chuồng nuôi heo mới được dọn sạch sẽ sau khi đàn heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi, ông Phan Hữu Chí, ấp 4B, xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc không khỏi đau lòng. Chỉ vừa mới 5 ngày trước, đàn heo 70 con vẫn đang khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày có hiện tượng bỏ ăn, sốt, 14 con heo thương phẩm 2 tháng tuổi và 2 con heo nái đang thời kỳ sinh sản đã bị chết và buộc phải đi tiêu hủy. Ông Chí cho biết, đây là số heo vừa tái đàn để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết nguyên đán 2022. Mặc dù có kinh nghiệm nuôi heo trong nhiều năm với quy trình chăm sóc cẩn thận, tiêm phòng đầy đủ nhưng gia đình ông vẫn không tránh được thiệt hại nặng do dịch tả heo châu Phi bùng phát trở lại. Để gỡ vốn, ông Chí quyết định bán số heo còn lại chưa bị bệnh cho trang trại thu mua để tránh thiệt hại nặng nề với giá 300 ngàn đồng/con. “Tôi đã bỏ ra khoảng 250 triệu đồng để chuẩn bị cho thị trường Tết, nhưng dịch bệnh xảy ra phải bán tháo, thiệt hại khoảng 200 triệu đồng”, ông Chí nói. 

Trước đó, vào tháng 8/2021, gia đình bà Phạm Thị Hương, thôn Thành Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức là hộ đầu tiên phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi. 33 con heo, trong đó 29 con thương phẩm 5 tháng tuổi đang có trọng lượng 50-60kg và 4 con heo nái đang sinh sản đã bị chết và buộc phải tiêu hủy toàn bộ theo quy định phòng chống dịch, ước thiệt hại khoảng 220 triệu đồng khiến bà Hương vô cùng xót xa. Theo bà Hương, đầu tháng 8, thấy nhiều con heo trong chuồng có dấu hiệu bỏ ăn, sau đó chết hàng loạt nên bà đã báo cho chính quyền địa phương. Qua kiểm tra, đơn vị chức năng xác định đàn heo của gia đình đã bị dịch tả heo châu Phi và buộc phải tiêu hủy để tránh lây lan. “Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong chăn nuôi, chúng tôi cũng không biết nguồn lây bệnh từ đâu, bởi gia đình rất cẩn thận, luôn chủ động sử dụng các biện pháp phòng ngừa, khử khuẩn chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ song vẫn bị nhiễm bệnh. Sau đợt dịch này, có khi tôi phải bỏ chuồng vì không còn vốn để tái đàn và cũng lo sợ dịch sẽ bùng phát tiếp”, bà Hương chia sẻ.

Bà Ngô Thanh Thủy, cán bộ nông nghiệp xã Kim Long, huyện Châu Đức cho biết, dịch tả heo Châu Phi xuất hiện tại địa phương vào ngày 10/8, dịch bệnh đã nhanh chóng lây lan và gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Tính đến nay, đã có 19 hộ tại địa phương bị nhiễm bệnh với tổng số heo là 562 con, trọng lượng thịt 770kg, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho bà con nông dân.

Ông Phan Hữu Chí (ấp 4B, xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) khử trùng chuồng heo bằng vội bột sau khi đàn heo của gia đình bị bệnh dịch tả  heo Châu Phi buộc phải tiêu hủy.
Ông Phan Hữu Chí (ấp 4B, xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) khử trùng chuồng heo bằng vội bột sau khi đàn heo của gia đình bị bệnh dịch tả heo Châu Phi buộc phải tiêu hủy.

Tập trung kiểm soát dịch

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 2 huyện gồm Châu Đức và Xuyên Mộc với tổng cộng 86 ổ dịch, đã tiêu hủy 1.836 con heo bị chết bệnh với tổng trọng lượng là 123.145kg.

Nhằm khống chế tình hình dịch bệnh lây lan, Sở NN- PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch khẩn cấp. Trong đó, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tích cực thực hiện các giải pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Đơn vị cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chăn nuôi, tình hình dịch bệnh trên động vật, phối hợp tăng cường thực hiện kiểm soát buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò, heo và sản phẩm từ trâu, bò, heo. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp cùng các địa phương cấp vôi bột, thuốc sát trùng và tổ chức thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng đối với các ổ dịch, vùng dịch. Để chủ động nắm rõ và kiểm soát các ổ dịch, ngành nông nghiệp đã cử nhân viên Thú y theo dõi, hỗ trợ điều trị triệu chứng; hướng dẫn phác đồ điều trị triệu chứng, kế phát cho các hộ chăn nuôi; phối hợp tiêu hủy heo chết do bệnh. Trong đó ngăn chặn tuyệt đối heo và sản phẩm từ heo có dịch mang về địa phương, kiểm soát chặt chẽ heo mang tới giết mổ trên địa bàn.

Sở NN-PTNT cũng liên tục khuyến cáo, hướng dẫn người chăn nuôi tổ chức tiêm phòng vacxin, thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến dịch bệnh để kịp thời triển khai các giải pháp phòng chống dịch kịp thời, không để dịch tả heo châu Phi bùng phát trở lại.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

.
.
.