.
HUYỆN CHÂU ĐỨC

Ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc

Cập nhật: 20:06, 26/10/2021 (GMT+7)

Bên cạnh dịch tả heo châu Phi, thời gian gần đây trên địa bàn huyện Châu Đức còn xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên bò. Tình trạng này khiến người chăn nuôi gặp khó.

Khu vực chuồng trại nơi phát hiện heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi được gia đình bà Nguyễn Thị Kim Linh (thôn Thành Long, xã Kim Long) rắc vôi bột khử trùng và thường xuyên dọn dẹp vệ sinh.
Khu vực chuồng trại nơi phát hiện heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi được gia đình bà Nguyễn Thị Kim Linh (thôn Thành Long, xã Kim Long) rắc vôi bột khử trùng và thường xuyên dọn dẹp vệ sinh.

Đầu tháng 8/2021, ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên trên địa bàn huyện Châu Đức được phát hiện tại trang trại chăn nuôi heo của gia đình ông Phan Văn Cường, ấp Hậu Cần, xã Quảng Thành. Theo đó, 3 trong số 65 con heo nhà ông đột ngột sốt, bỏ ăn, ủ rủ và lăn ra chết. Nghi ngờ heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi, ông Cường báo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp với Phòng NN-PTNT, UBND xã Quảng Thành trực tiếp đến trang trại của gia đình kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng VI xét nghiệm; thực hiện tiêu hủy heo chết và hướng xử lý.

Sau khi có kết quả khẳng định số heo chết mắc bệnh dịch tả heo châu Phi, gia đình ông Cường đã tách riêng số heo còn lại ra từng ô chuồng khác nhau để tiếp tục chăm sóc. Đồng thời, ông cũng tăng cường dinh dưỡng, nâng sức đề kháng, bổ sung các loại vitamin cho heo và theo dõi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, rắc vôi bột tại lối ra vào và xung quanh chuồng, hố chứa phân và nước thải…

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Linh, ở thôn Thành Long, xã Kim Long có đàn heo 68 con, gần đến ngày xuất bán đã có 31 con lăn ra chết với các triệu chứng như: bỏ ăn, ói, sốt, xuất huyết trên da. Bà Linh đã thông báo với chính quyền địa phương và nhân viên thú y đến kiểm tra, lấy mẫu, sát khuẩn và tiêu hủy số heo bị nhiễm bệnh chết.

Vừa lỗ công chăm sóc vừa phải gánh trên vai khoản nợ 200 triệu đồng, bà Linh buồn bã cho biết: “Heo tôi lấy giống từ xã Bàu Chinh, giống khỏe, nuôi nhanh lớn. Tôi đầu tư máy phun thuốc khử khuẩn và thường xuyên dọn dẹp xung quanh chuồng trại nhưng heo vẫn mắc bệnh. Cầm cự từ đầu năm đến nay, heo chết dần chết mòn, giờ còn lại 12 con nhưng có thể chết nữa. Tôi mong chính quyền địa phương hỗ trợ để bà con có thêm nguồn vốn tái đàn”.

Theo ông Trần Văn Thuận, cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Đức, toàn huyện có 85.000 con heo. Từ đầu năm đến nay, 7/16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã phát hiện dịch tả heo châu Phi với 57 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng. Số heo bị chết, buộc phải tiêu hủy là 1.404 con.

“Hiện nay, dịch tả heo châu Phi chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy để ngăn chặn dịch lây lan, các hộ chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại; theo dõi, giám sát đàn heo; kịp thời phát hiện, cách ly, phối hợp lấy mẫu xét nghiệm đối với heo bệnh, nghi bị bệnh”, ông Thuận nói.

Bên cạnh dịch tả heo châu Phi, trên địa bàn huyện đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục (VDNC). Cụ thể, ngày 25/6/2021, ổ dịch VDNC ở đàn bò xuất hiện đầu tiên tại xã Suối Rao rồi lan tới tất cả các xã, thị trấn còn lại.

Từ khi bệnh xuất hiện đến nay đã có 157 con trong tổng 12.894 con bò của toàn huyện bị chết, bị tiêu hủy. Những con bò mắc bệnh này xuất hiện triệu chứng sốt cao, trướng bụng, nổi cục lớn toàn thân. Sau nhiều ngày, cục sần bắt đầu hoại tử khiến trâu, bò bị chết.

Khi xuất hiện bệnh, người dân đã báo chính quyền địa phương triển khai các biện pháp khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh lây lan; tổng vệ sinh, phun khử trùng tại các hộ chăn nuôi có gia súc biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh và tiêm phòng vắc xin. Nhờ đó, dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả. Để giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, huyện Châu Đức đã tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC cho 8.000 con bò và đang tiếp tục tiêm.

Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, để bảo đảm an toàn vệ sinh, địa phương khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chăn nuôi an toàn sinh học. Khi phát hiện động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, người dân cần báo ngay cho cơ quan thú y để kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và triển khai các biện pháp chống dịch kịp thời.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

.
.
.