Sớm đưa chuỗi khai thác thủy sản trở lại bình thường
Sáng 22/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã chủ trì hội nghị trực tuyến “Tổ chức khai thác thủy sản thích ứng, phòng chống dịch COVID-19, quý 4/2021” với các tỉnh, thành trong cả nước. Hội nghị nhằm bàn giải pháp sớm đưa hoạt động khai thác thủy sản trở lại trạng thái bình thường mới.
Đại diện Ban Quản lý Cảng Lộc An, huyện Đất Đỏ tuyên truyền công tác phòng chống dịch cho ngư dân tại cảng cá. |
HÀNG NGÀN TÀU CÁ PHẢI NẰM BỜ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quang Hùng cho hay, tính đến nay, tổng sản lượng khai thác thủy sản biển cả nước ước đạt 2,917 triệu tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng khai thác ở ngư trường Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 40%, sản lượng khai thác ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ và Tây Nam Bộ tiếp tục có xu hướng giảm.
Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Theo thống kê của các tỉnh, số lượng tàu cá không đi khai thác trong 3 tháng (từ tháng 7 đến tháng 9) là 43.200 tàu, làm giảm sản lượng khoảng 186 ngàn tấn trong năm 2021. Các tỉnh, thành phố có số lượng tàu nằm bờ nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh như: Đà Nẵng 1.680/1.830 chiếc; BR-VT 3.252/5.025 chiếc; Khánh Hòa 3.269/5.580 chiếc; Trà Vinh 540 chiếc/1.196 chiếc. Tàu cá phải nằm bờ, ngừng khai thác ngoài nguyên nhân do dịch còn do thiếu lao động khai thác thủy sản.
Tại BR-VT, tính đến tháng 10/2021, các chỉ tiêu tăng trưởng, sản lượng khai thác đạt thấp so với cùng kỳ. Cụ thể, sản lượng khai thác đạt 300.686 tấn, ước thực hiện cả năm 353.700 tấn (tăng 1,44% so cùng kỳ, đạt 100,9% so với kế hoạch). Giá trị sản xuất khai thác thủy sản tăng 2,58% so cùng kỳ, ước thực hiện cả năm tăng 1,65% so cùng kỳ, đạt 97,58% kế hoạch.
Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số cảng cá trên địa bàn tỉnh tạm ngưng hoạt động hoặc bị phong tỏa. Tàu khai thác cũng phải tạm dừng hoạt động và chỉ bắt đầu khôi phục hoạt động trở lại từ ngày 20/9, dẫn đến sản lượng thủy sản khai thác, chế biến xuất khẩu giảm. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ thủy sản giảm khiến giá bán sản phẩm cũng giảm mạnh từ 40-45%. Một số yếu tố như đứt gãy nguồn cung lao động, giá xăng dầu tăng khoảng 30%, thời tiết thất thường, trong khi nhu cầu chi phí cho mỗi chuyến ra khơi đánh bắt ngày càng tăng, đã khiến cho hoạt động khai thác, chế biến thủy sản gặp nhiều khó khăn.
THỨ TRƯỞNG BỘ NN-PTNT PHÙNG ĐỨC TIẾN
Linh hoạt khai thác thủy sản an toàn trong dịch bệnh
Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn, song các tỉnh, thành vẫn nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa duy trì hoạt động khai thác thủy hải sản. Dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, điều kiện khai thác thủy sản nhiều thuận lợi, bởi vậy, ngành thủy sản phải thích ứng an toàn, linh hoạt, đảm bảo an toàn cho người lao động và ngư dân, đưa chuỗi hoạt động khai thác thủy sản ở các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới, sớm đạt kế hoạch cả về khai thác lẫn xuất khẩu thủy hải sản.
Các địa phương cần quản lý tốt tàu cá và hoạt động khai thác thủy sản; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; kiểm soát tình hình thiên tai, tai nạn tàu cá, chuyển đổi nghề... Các tỉnh, thành quan tâm nâng cấp hạ tầng thủy sản; nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp phòng chống khai thác bất hợp pháp; chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện các chỉ đạo về phòng chống khai thác bất hợp pháp và gỡ thẻ vàng của EC; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không lắp thiết bị giám sát hành trình, ngắt kết nối và vi phạm vùng biển nước ngoài...
|
GỠ KHÓ ĐỂ PHỤC HỒI SẢN XUẤT
Những khó khăn nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác của ngư dân. Ông Nguyễn Đình Ngọc, ngư dân phường 2, TP. Vũng Tàu cho biết, các chủ tàu đều lâm vào cảnh khó khăn do tàu phải nằm bờ. “Tàu không thể vươn khơi trong khi 2 chiếc tàu của gia đình đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ vẫn đang phải trả vốn vay mỗi tháng 100 triệu đồng/chiếc cũng khiến tôi lo lắng, dù ngân hàng đã cho giãn nợ. Nếu không phục hồi sản xuất được thì không biết lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng. Chúng tôi mong được vay vốn với lãi suất thấp và theo từng chuyến biển (khoảng 200 triệu đồng/chuyến) để có điều kiện phục hồi sản xuất”, ông Ngọc nói.
Bốc dỡ cá tại Cảng cá Phước Tỉnh, huyện Long Điền. |
Ban Quản lý Cảng Lộc An, huyện Đất Đỏ kiểm tra thân nhiệt ngư dân ra vào cảng. |
Không chỉ các chủ tàu, các DN chế biến thủy sản cũng lâm vào tình cảnh khó khăn khi thiếu nguyên liệu, vật giá tăng cao. Ông Nguyễn Trần Thiện An, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty CP thủy sản Hải Long (phường 12, TP. Vũng Tàu) cho biết, DN chuyên sản xuất và xuất khẩu sản phẩm surimi sang Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan. Do dịch bệnh, nguyên liệu phục vụ sản xuất thiếu, giá lại tăng đến 30%, tạm ngừng để phòng chống dịch nên đến nay công ty mới đạt khoảng 30% kế hoạch đề ra.
Sau thời gian ngừng hoạt động để phòng chống dịch, DN mở cửa sản xuất từ 23/9, đến nay mới đạt 30% công suất. Năm 2021, nếu nguồn nguyên liệu dồi dào hơn và có đủ công nhân làm việc, dự kiến cũng chỉ đạt khoảng 60-70% kế hoạch năm. “DN mong được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp; tạo điều kiện để thực hiện nhanh các thủ tục liên quan đến cấp chứng nhận xuất xứ (C/O), thủ tục xuất khẩu, thông quan qua cảng… để phục hồi sản xuất”, ông Thiện An nói.
Theo ông Lê Tòng Văn, Sở NN-PTNT đã kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT xem xét, ưu tiên tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho lực lượng thuyền viên tham gia hoạt động khai thác thủy sản của tỉnh, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất thủy sản trong các tháng cuối năm 2021. Sở NN-PTNT cũng sẽ hỗ trợ ngư dân hoàn tất các loại giấy tờ còn thiếu như giấy khai thác, an toàn vệ sinh thực phẩm… để khi “mở cửa” trở lại, ngư dân có thể vươn khơi. Đồng thời rà soát, điều chỉnh các quy định tại các cảng cá đang hoạt động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất cũng như thực hiện công tác chống khai thác IUU.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, ngành khai thác thủy sản cần tuyên truyền và hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển và có chính sách khuyến khích hoạt động khai thác ở các vùng biển xa, chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch bệnh COVID-19. Cùng với đó, cần ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho lao động, ngư dân làm việc trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản để duy trì hoạt động sản xuất trên biển.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU