Bằng những cách làm mới, các DN trong CCN vừa chủ động phòng chống dịch vừa tìm được những hướng đi phù hợp, thích ứng với các điều kiện mới để nỗ lực hoàn thành kế hoạch năm 2021.
May sản phẩm tủ vải công nghiệp tại Công ty TNHH May Tân Mỹ. |
Tìm hướng đi mới
Dưới tác động của dịch COVID-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, Công ty TNHH May Tân Mỹ (CCN Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ) đã nhanh chóng chuyển qua sản xuất túi vải công nghiệp và đưa sản phẩm lên hệ thống thương mại điện tử Amazon xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nhờ sự chuyển hướng này, kết quả sản xuất kinh doanh của DN thành công “ngoài mong đợi”. Bởi sản phẩm tủ vải công nghiệp đang là mặt hàng xuất khẩu với các đơn hàng lớn đầy tiềm năng từ Mỹ và một số thị trường khác. 9 tháng năm 2021, DN đã sản xuất và xuất khẩu được gần 900 ngàn sản phẩm, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020, doanh thu tăng 71%. Tại thời điểm này, công ty đã ký các đơn hàng xuất khẩu tới tháng 10/2022.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH May Tân Mỹ cho biết, trước đây việc gia công quần áo xuất khẩu mang lại lợi nhuận thấp. Việc chuyển hướng kinh doanh đã mang lại kết quả tốt cho công ty. Khi toàn tỉnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, 30-40% lao động làm việc 3 tại chỗ, sản lượng sản xuất chỉ đạt 40%. Tuy nhiên thời điểm này, 86% người lao động đã quay trở lại làm việc. Với tình hình thực tế như hiện nay, DN cố gắng hoàn thành 80% kế hoạch sản xuất của năm 2021.
Mặc dù vẫn tiếp tục duy trì 3 tại chỗ với 80 lao động nhưng Xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu 3 (Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh BR-VT Baesafood) vẫn cố gắng hoàn thành các đơn hàng năm 2021. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Baseafood cho biết, để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất khi nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ, Baseafood đã chủ động tìm kiếm nguồn nhập khẩu. Nhờ đó bảo đảm cho nhu cầu sản xuất tới tháng 12/2021. “Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng thị trường tiêu thụ của DN không bị thu hẹp, vì sản phẩm của công ty được xuất khẩu vào các chuỗi siêu thị, tập đoàn lớn nên hợp đồng đã ký là phải thực hiện. Để hoàn thành kế hoạch năm, công ty đã tăng thu mua và nhập khẩu nguyên liệu, trong đó, nguyên liệu nhập khẩu chiếm gần 60%, tăng 30% so với năm 2020. Đồng thời tăng tần suất sản xuất để đáp ứng các hợp đồng đã ký. Đây cũng là điều kiện, cơ hội để DN ký hợp đồng nhiều hơn khi dịch qua đi, cũng như tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA để tăng sức mua từ khách hàng châu Âu”, ông Dũng cho biết thêm.
Nỗ lực phục hồi sản xuất
Phản ánh của DN trong CCN cho thấy, sau khi tỉnh áp dụng Chỉ thị 15, DN đã nhanh chóng sắp xếp bố trí lực lượng lao động, điều kiện sản xuất để hoạt động trở lại. Tuy nhiên hiện nay cũng còn hạn chế trong việc đi lại của người lao động, nhất là việc đưa các nhà quản lý, các nhân sự văn phòng, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành thực hiện các đơn hàng gấp cuối năm. Các DN trong CCN kiến nghị, địa phương cần có phương án thống nhất để tạo điều kiện cho DN đi vào sản xuất ổn định, nhất là trong những tháng cuối năm. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ, ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân lao động trong thời gian sớm nhất. “Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên DN rất khó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp khi không biết trước được số công nhân có thể đến nhà máy làm việc trong ngắn hạn, dài hạn ra sao. Do vậy DN mong muốn giải quyết sớm việc đi lại cho người lao động, giúp DN yên tâm khôi phục sản xuất”, ông Cheng De Liang, Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam, CCN Ngãi Giao (huyện Châu Đức) đề xuất.
Ông Phạm Bá Lâm, Phó phòng Công nghiệp (Sở Công thương) cho biết, toàn tỉnh có 22 DN trong các CCN, trong đó có 20 DN đang duy trì hoạt động sản xuất với tổng số 3.121 lao động và có 2 DN đã tạm ngừng hoạt động. Qua kiểm tra công tác phòng dịch tại CN cho thấy, đến nay, các DN đã phục hồi từ 70-80% công suất, số lượng lao động trở lại làm việc đạt trên 80%. Để hỗ trợ các DN, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ của UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Sở Công thương và các sở, ngành liên quan đang tổng hợp để hỗ trợ Tổ công tác nắm bắt, tiếp nhận thông tin; đề xuất với UBND tỉnh giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN; giúp DN duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất trong điều kiện bình thường mới.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN