.

Chuyển đổi số để ngành nông nghiệp phát triển bền vững

Cập nhật: 22:12, 29/10/2021 (GMT+7)

Chuyển đổi số đối với nông nghiệp đang là đòi hỏi cấp thiết. Đây là nhận định của các đại biểu tại hội thảo “Chuyển đổi số trong sản xuất trồng trọt - nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, các công nghệ ứng dụng và vai trò của doanh nghiệp, nông hộ”, do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) tổ chức ngày 29/10.

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp góp phần thay đổi phương thức sản xuất.  Trong ảnh: Sử dụng mã quét QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm của Công ty TNHH nấm Hòa Long (TP. Bà Rịa).
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp góp phần thay đổi phương thức sản xuất. Trong ảnh: Sử dụng mã quét QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm của Công ty TNHH nấm Hòa Long (TP. Bà Rịa).

MANH NHA MỘT SỐ  MÔ HÌNH

Thông tin tại hội thảo, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, trên địa bàn tỉnh đã manh nha một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ số, nông nghiệp thông minh. Việc ứng dụng tập trung vào một số khâu: thu thập dữ liệu đầu vào, xử lý dữ liệu, lưu trữ và điều khiển, theo dõi và điều khiển khâu sản xuất. Những ứng dụng này, phần lớn được kết nối với thiết bị di động, giúp DN, HTX và nông dân dễ dàng sử dụng, theo dõi.

Chẳng hạn, mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao của ông Lâm Trọng Tuấn, TT. Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc. Mô hình sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel và công nghệ thủy canh hồi lưu, tưới nước tự động. Các thiết bị từ nhà lưới đến hệ thống thủy canh được thiết kế theo tiêu chuẩn Isarel. Toàn bộ hệ thống được điều khiển tự động, giúp quy trình chăm sóc trên hệ thống được đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp cây phát triển tốt nhất.

Ngoài ra, thiết bị cảm ứng sẽ tự động điều chỉnh chế độ tưới, đưa ra khối lượng nước tưới phù hợp. “Với chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, tôi ngồi bất kỳ đâu cũng có thể kiểm tra sự phát triển của vườn rau. Sau khi các thiết bị cảm ứng đã phân tích toàn bộ điều kiện thổ nhưỡng, nhu cầu cần chăm sóc của cây, tôi chỉ cần mở và thao tác trên điện thoại là tất cả hệ thống tự động sẽ chăm sóc cây theo lập trình máy đã định sẵn. Nhờ đó, trang trại không cần nhiều lao động”, ông Tuấn cho hay

Đầu năm 2021, huyện Long Điền lần đầu tiên sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc BVTV cho 30ha lúa tại xã An Nhứt. Việc phun thuốc BVTV trên lúa bằng drone giúp tăng năng suất lao động từ 15-30 lần, rút ngắn thời gian phun thuốc trên 1 đơn vị diện tích, giảm 30% lượng thuốc BVTV so với phun xịt thông thường. Ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dịch vụ An Nhứt cho rằng, phun thuốc bằng drone vừa tiết kiệm lượng nước, thuốc BVTV vừa giảm tổn thất sản lượng lúa từ 150-200kg/ha so với phun xịt thuốc thông thường.

Theo ông Trịnh Đức Toàn, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN-PTNT), ngoài sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc BVTV, máy thu hoạch, công nghệ điều khiển tự động chăm sóc cây trồng trong nhà lưới, nhà màng, sử dụng tem nhãn QR để dán lên sản phẩm trong quản lý truy xuất nguồn gốc, Sở NN-PTNT cũng đang phối hợp cùng Sở TT&TT, Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viễn thông để đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử. Đến nay, đơn vị đã kết nối mở được 4.800 tài khoản cho các nông hộ. Một số sản phẩm như hồ tiêu Bầu Mây, nhãn, bưởi da xanh, cà phê Nón Lá, đông trùng hạ thảo… đã có mặt trên sàn, từng bước tiếp cận với thị trường thông qua nền tảng số.

XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU CHUYỂN ĐỔI SỐ

Mặc dù manh nha một số mô hình và mang lại hiệu quả nhất định, tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp đang đối mặt với một số thách thức. Đó  là cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng. Nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) rất hạn chế, bởi trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là nông dân, chưa được đào tạo chuyên môn bài bản.

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV thông tin thêm, trên địa bàn tỉnh có 4 vùng trồng đã được Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cấp mã số vùng trồng xuất khẩu bao gồm: Vùng trồng nhãn của Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu với diện tích 7,5ha. Sản phẩm nhãn của ông Nguyễn Quang Hiếu, với diện tích 14ha và nhãn của HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Nhân Tâm với diện tích 20ha đều nằm tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc và sản phẩm chuối của vườn cây ăn quả Tân Lâm – Công ty CPNN Hòa Lâm với diện tích 240ha tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc. Ngoài các vùng được cấp mã trên, hiện việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng vẫn chỉ mới ứng dụng trong một số khâu cơ bản như thu thập dữ liệu đầu vào (thổ nhưỡng, chất đất, nguồn nước, giống, theo dõi dịch bệnh và hệ thống cảm biến trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao). “Hội thảo chính là tiền đề để Chi cục xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Sở NN-PTNT về lộ trình  để tiếp cận, chuyển đổi số, tiến tới thu thập cơ sở dữ liệu đề xây dựng đề án chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới”, ông Đức nói.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

.
.
.