.

Lúc thích hợp để tiến tới đột phá về chuyển đổi số

Cập nhật: 20:44, 19/09/2021 (GMT+7)

Doanh nghiệp đang dần đuối sức, nhưng trong bối cảnh khó khăn, là lúc nhìn nhận rõ hơn về vai trò của việc tạo đột phá trong chuyển đổi số... Đó là những vấn đề được đặt ra tại hội nghị trực tuyến giải pháp hỗ trợ DN trong đại dịch COVID-19 và chia sẻ cơ hội kinh doanh, do Hội Doanh nhân trẻ tổ chức, chiều 18/9.

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến giải pháp hỗ trợ DN trong đại dịch COVID-19 và chia sẻ cơ hội kinh doanh do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức ngày 18/9 qua phòng họp trực tuyến zoom.
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến giải pháp hỗ trợ DN trong đại dịch COVID-19 và chia sẻ cơ hội kinh doanh do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức ngày 18/9 qua phòng họp trực tuyến zoom.

DN đang dần đuối sức

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên tình hình kinh doanh của DN trong toàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là từ khi tỉnh áp dụng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài những DN đủ lực để thực hiện “3 tại chỗ”, còn lại phần lớn DN đóng cửa. Ông Đinh Tiến Dũng, Giám đốc Ruby Home, TP. Vũng Tàu cho biết, từ khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đến nay, mọi hoạt động kinh doanh về bất động sản, du lịch của công ty đều tạm dừng. Mặc dù không có doanh thu nhưng công ty vẫn phải trả lương cho người lao động, chưa kể các khoản chi phí khác của DN. Có thể nói, DN đang dần kiệt sức.

Còn ông Trần Minh Cảnh, Giám đốc Công ty CP thương mại dịch vụ vận tải xây dựng 121, TP. Bà Rịa, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Bà Rịa cũng thông tin, gần 2 tháng nay, để thực hiện phòng chống dịch, các DN phải tạm dừng hoạt động. DN mất đi nguồn thu nhưng vẫn phát sinh chi phí duy trì DN như các khoản chi phí về lãi vay, mặt bằng, lương, bảo hiểm… “Để DN vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, cần sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp chính quyền để DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, giãn thuế, bảo hiểm... giúp DN tái khởi động trở lại sau khi hết lệnh giãn cách”, ông Cảnh đề xuất.

Dịch COVID-19 đã làm DN khó khăn, kiệt sức. Nếu không có chính sách hỗ trợ đồng bộ căn cơ của Chính phủ, của tỉnh thì DNNVV không chỉ ngừng hoạt động, thua lỗ kéo dài mà còn dẫn đến phá sản. Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cũng kiến nghị: “Thời gian qua, DN cũng đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ, của tỉnh, trong đó có Nghị quyết 68. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết cần được thực hiện nhanh chóng để người lao động, DN có thêm động lực vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, chúng tôi mong địa phương sớm triển khai tiêm vắc xin cho doanh nhân, người lao động cũng như hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính đang tồn đọng kịp thời sau khi hết giãn cách để DN hoạt động trở lại”, ông Thắng nói.

Ứng dụng nền tảng số giúp DN quản trị DN tốt hơn và kết nối, giao thương dễ dàng trong sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Công ty TNHH TM DV SX ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức) giới thiệu sản phẩm với đối tác nước ngoài qua hình thức online tại vườn (Ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại).
Ứng dụng nền tảng số giúp DN quản trị DN tốt hơn và kết nối, giao thương dễ dàng trong sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Công ty TNHH TM DV SX ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức) giới thiệu sản phẩm với đối tác nước ngoài qua hình thức online tại vườn (Ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại).

Thay đổi để thích nghi

Ngoài những vấn đề khó khăn do phải tạm ngưng hoạt động, tại hội nghị, các DN cũng cho rằng, cần phải xác định dịch bệnh sẽ còn kéo dài. Do đó, bản thân mỗi DN phải thích ứng với hoàn cảnh mới, thay đổi chiến lược kinh doanh và đặc biệt, nhanh chóng ứng dụng công nghệ số. Đây được xem là “lối nhỏ an toàn” để ổn định sản xuất và phát triển.

Ông Đinh Tiến Dũng chia sẻ, để thích nghi với điều kiện bình thường mới, công ty đã xây dựng kế hoạch hoạt động, trong đó trước mắt sẽ rút gọn bộ máy, đầu tư và ứng dụng nền tảng công nghệ số trong các khâu để giảm thời gian và chi phí nhân công. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ cải thiện và làm mới chất lượng phục vụ du khách theo xu hướng hiện nay là phải an toàn cho sức khỏe.

Trong khi đó, theo ông Steven Bùi, Chủ tịch Tập đoàn Delta E&C Nhật Bản, các DN nhỏ phải có chiến lược cụ thể cho từng bước đi của mình để khai thác hiệu quả từng thị trường. Cụ thể, trong giai đoạn đầu cần tập trung chuyên môn hóa, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Khi đã “cứng cáp” và đủ tiềm lực, DN có thể ứng dụng các nền tảng số để kết nối và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để làm được điều này, DN phải chuẩn hóa đội ngũ nhân sự, định hình lại DN, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh để khi dịch qua đi DN sẵn sàng cho một giai đoạn mới. Tập đoàn Delta E&C Nhật Bản luôn sẵn sàng hỗ trợ các DN của tỉnh khi có nhu cầu kết nối.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc công nghệ Công ty CP hệ thống thông tin FPT cũng khẳng định, một trong những giải pháp đó là áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Việc ứng dụng số sẽ giúp DN quản trị DN tốt hơn, giảm được các chi phí đầu vào, chăm sóc khách hàng tốt hơn, bảo đảm được quy trình kinh doanh từ xa, không bị gián đoạn và tăng hiệu suất công việc. Tuy nhiên, để chuyển đổi số, DN phải kết hợp hình thức bên trong và bên ngoài, đó là chuẩn hóa từ hệ thống thiết bị đến đầu tư nguồn nhân lực.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.