.
Ở huyện "vùng xanh"

Nông dân mừng khôn xiết vì đã có đơn hàng lớn từ thương lái

Cập nhật: 00:11, 18/09/2021 (GMT+7)

Từ ngày 9/9, các huyện Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và Côn Đảo thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Những ngày qua, nông dân các địa phương trên đã trở lại sản xuất. Việc lưu thông, tiêu thụ nông sản dễ dàng hơn.

Tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg nông dân đã dần ổn định sản xuất.  Trong ảnh: Trang trại nuôi heo của gia đình ông Nguyễn Hữu Duy, xã Bình Giã, huyện Châu Đức..
Tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg nông dân đã dần ổn định sản xuất. Trong ảnh: Trang trại nuôi heo của gia đình ông Nguyễn Hữu Duy, xã Bình Giã, huyện Châu Đức..

Thương lái liên hệ trực tiếp đặt mua rau quả

Thay vì phải bán lẻ dưa lưới thông qua chương trình hỗ trợ tiêu thụ, mấy ngày trở lại đây, gia đình bà Mai Thanh Hoa (ấp Tân Hòa, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) liên tục được thương lái gọi điện đặt mua dưa số lượng lớn. Sau nhiều đắn đo, lựa chọn giá cả, gia đình bà Hoa đã thỏa thuận xong đơn hàng đầu tiên (sau 2 tháng giãn cách), với số lượng 3 tấn dưa.

Không dấu vui mừng, bà Hoa khoe: “Toàn bộ sản lượng dưa của gia đình trong đợt này đã được thu mua. Mặc dù giá còn thấp, chỉ 20.000 đồng/kg, song việc tiêu thụ nông sản đã dễ dàng hơn, gia đình cảm thấy yên tâm để tiếp tục sản xuất”.

Ngoài việc nông sản làm ra đã có người mua với số lượng lớn, bà con nông dân cũng đã có thể đi lại để mua các loại vật tư sản xuất nông nghiệp. “Nhờ mua được phân bón, tôi vừa xuống giống thêm 2 sào dưa. Hy vọng với việc dịch bệnh dần được kiểm soát, cuộc sống của người dân sẽ sớm trở lại bình thường”, bà Hoa nói.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, 2 lứa heo (mỗi lứa 100 con) của gia đình ông Nguyễn Hữu Duy (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) thời gian qua tiêu thụ chậm, dẫn đến thua lỗ. Từ ngày 9/9, huyện Châu Đức nới lỏng đi lại, ông đã liên hệ với thương lái và  bán hết 60 con heo chỉ trong vòng 5 ngày. Ông Duy cho biết, trước đây khi thực hiện Chỉ thị 16, mỗi lần xuất bán, phải gọi trước cho thương lái 15 ngày nhưng cũng không thể tiêu thụ nhanh như vậy được.

 Việc lưu thông, tiêu thụ nông sản tại các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 đã có nhiều tin hiệu tích cực. Trong ảnh: ông An Đình Doãn, ấp Phú Xuân, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đang thu hoạch nhãn.
Việc lưu thông, tiêu thụ nông sản tại các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 đã có nhiều tin hiệu tích cực. Trong ảnh: ông An Đình Doãn, ấp Phú Xuân, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đang thu hoạch nhãn.

Vừa sản xuất vừa chống dịch

Tại huyện Xuyên Mộc, khi địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, UBND huyện cũng đã có văn bản hướng dẫn triển khai các giải pháp duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp trong điều kiện mới. Việc đi lại trong từng địa phương được nới lỏng, sản được tiêu thụ nhanh chóng. Ông Dương Tấn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc cho biết, hiện nay, lượng nông sản đã tiêu thụ được khoảng 80%. Nhiều nơi, nông dân đang chuẩn bị kế hoạch cho vụ mới.

Ông Trần Văn Mảng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản dần ổn định. Hội Nông dân tỉnh cũng đã kịp thời triển khai, tuyên truyền các chủ trương chính sách của UBND tỉnh thông qua mạng xã hội zalo tới các chi hội địa phương. Tuy mỗi địa phương đều có quy về việc thực hiện lưu thông, đi lại khách nhau, song vẫn trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19. “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, cơ bản không còn hàng nông sản tồn đọng. Thương lái cũng đã bắt đầu liên hệ với với nông dân các địa phương như Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc để thu mua. Tới đây, khi TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương được nới lỏng một số hoạt động, việc tiêu thụ nông sản của tỉnh chắc chắn sẽ thuận lợi hơn nữa”, ông Mảng nhận định.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU- XUÂN ĐỘNG

.
.
.