Không để đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông nông sản
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến Chính phủ về thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh chống dịch COVID-19 sáng 13/9. Tham dự hội nghị có đại diện các Bộ, ngành, Hiệp hội và lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Nhiều loại nông sản của BR-VT cũng bị ứ đọng, khó tiêu thụ. Trong ảnh: Thu hoạch bưởi tại xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ. |
Tại điểm cầu BR-VT, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Lưu thông hàng hóa đứt gãy
“Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản tại nhiều địa phương, làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, gây ùn ứ nông sản ở nhiều nơi”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông tin tại hội nghị. Trong bối cảnh đó, các ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương đã thực hiện kết nối trên 1.400 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm ở phía Nam và xây dựng dữ liệu 2.093 đầu mối cung ứng nông sản phía Bắc. Về xuất khẩu, nhóm hàng nông sản, thủy sản trong 7 tháng năm 2021 đạt 15,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, phần lớn các mặt hàng chủ lực đều đạt tăng trưởng dương.
Tại BR-VT, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các ngành sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội (từ 19/7 – 8/9), sản lượng giảm từ 10-15% so với kế hoạch và các cấp ngành của tỉnh phải hỗ trợ tiêu thụ. Cụ thể, tổng sản lượng nông sản, thủy sản 89.438 tấn, trứng gia cầm 26.373 quả. Đến nay đã tiêu thụ được 87.447 tấn (tiêu thụ trong tỉnh 69.537 tấn, tiêu thụ ngoài tỉnh là 17.90 tấn). Sản lượng nông sản còn tồn đọng cần hỗ trợ tiêu thụ là 1.463 tấn (trong đó, nông sản 443 tấn, thủy sản 1.020 tấn).
Thời gian qua, UBND tỉnh, các Sở, ngành và địa phương đã giám sát chặt chẽ địa bàn sản xuất đối với từng loại cây trồng, vật nuôi về thời điểm thu hoạch, sản lượng dự kiến thu hoạch để thực hiện kết nối tiêu thụ vào chuỗi hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cung cấp cho tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT để tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh; kết nối tiêu thụ, trên các trang thương mại điện tử của Bưu điện tỉnh (Postmart) và Viettel Chi nhánh BR-VT (Voso.vn). Các hội đoàn thể, đơn vị cũng vào cuộc để tuyên truyền hội viên, công chức, viên chức, người lao động ưu tiên dùng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Không ban hành “giấy phép con” gây ách tắc hàng hóa
Cho rằng một trong những điểm mẫu chốt gây khó khăn trong tiêu thụ nông sản là do khâu lưu thông gặp nhiều khó khăn, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cũng thừa nhận, quy định của từng địa phương trong phòng chống dịch đã làm ảnh hưởng tới quá trình lưu thông, chậm trễ, gây đứt gãy nguồn cung trong tiêu thụ nông sản. Do đó, Thứ trưởng đề nghị cần tháo gỡ những điểm nghẽn, chỉ đạo thống nhất quy định về lưu thông hàng hóa. “Hiện nay nguồn tiêu thụ nông sản vẫn đang chủ yếu sang thị trường Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch, dẫn tới việc bị phụ thuộc vào thời gian đóng, mở cửa khẩu. Do đó, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ cần vào cuộc để tháo gỡ ách tắc tại các cửa khẩu. Đồng thời, kêu gọi các địa phương, các hiệp hội, DN đẩy mạnh xuất khẩu nông sản theo đường chính ngạch để tránh bị phụ thuộc”, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nói.
Đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để vừa duy trì sản xuất vừa phòng chống dịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng chia sẻ những khó khăn mà DN, ngành hàng, người dân gặp phải trong thời gian qua. Để không bị đứt gãy nguồn cung hàng hóa xuất khẩu cũng như phục vụ sản xuất, Chính phủ luôn lắng nghe những ý kiến, đóng góp của các bộ, ngành và địa phương nhằm thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với người dân, DN xây dựng kế hoạch phục hồi, tái sản xuất nông nghiệp thông qua việc rà soát lại tình hình thực tế và triển khai việc tái sản xuất, đầu tư đúng như kế hoạch đề ra từ đầu năm. Những địa phương ít bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh có thể tăng cường sản xuất để bù cho các địa phương vùng đỏ, đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong thời gian tới. Ngoài thị trường trong nước, cần có giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu. Nhấn mạnh trong triển khai hiệu quả các giải pháp thì vai trò của chính quyền địa phương vẫn mang tính quyết định vì cùng 1 cơ chế nhưng có địa phương làm tốt, địa phương chưa tốt, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương phải đảm bảo thông suốt trong lưu thông hàng hóa, không thêm các loại “giấy phép con” gây ách tắc lưu thông hàng hóa. Ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa nông nghiệp
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU