.

Gỡ khó cho người nuôi thủy sản

Cập nhật: 20:32, 12/09/2021 (GMT+7)

Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản, khiến người nuôi thua lỗ mà còn dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung sau này, do người nuôi "treo ao".

Do ảnh hưởng của dịch COVID-9, sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Trong ảnh: Ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ tiêu thụ cá lồng bè cho người dân xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-9, sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Trong ảnh: Ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ tiêu thụ cá lồng bè cho người dân xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu.

Tiêu thụ chậm, người nuôi thua lỗ

Gần 2 tháng nay, gia đình ông Nguyễn Thanh Chức, Tổ trưởng Tổ nuôi cá nước ngọt xã Suối Rao, huyện Châu Đức và thành viên trong tổ điêu đứng vì trải qua vụ mùa khó khăn nhất từ trước đến nay. Dịch bệnh khiến ông Chức cùng các hộ nuôi cá loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. Nếu như trước, 15-17 tấn cá đến vụ thu hoạch của ông được thương lái thu mua hết trong 7-10 ngày, thì nay trầy trật cả tháng ông vẫn chưa thể bán hết số cá trong ao. Ông Chức cho biết: “Cùng kỳ năm trước, tôi thu lãi 250-300 triệu đồng/vụ nhưng năm nay cầm chắc thua lỗ, bởi giá cá liên tục giảm, trong khi chi phí thức ăn cho cá lại tăng cao". 

Các hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu cũng trong tình cảnh tương tự. Nguồn tiêu thụ chính tại TP. Hồ Chí Minh bị ngưng trệ, hàng trăm tấn cá đến kỳ xuất bán nhưng không thể thu hoạch vì không có ai mua. Ông Nguyễn Công Biên có 200 lồng nuôi, với các loại cá bớp, chim và cá cam. Trong đó, cá bớp và cá chim đã quá kỳ xuất bán hơn 4 tháng. Theo ông Biên, khó khăn lớn nhất hiện nay là do không tiêu thụ được, giá bán giảm từ 30-40% so với trước, chi phí thức ăn đội lên khiến người nuôi cá lỗ chồng lỗ.

HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (phường Long Hương, TP. Bà Rịa) là một trong những đơn vị nuôi tôm công nghệ cao bằng công nghệ RAS cũng vừa trải qua một mùa vụ khó khăn. Với công nghệ nuôi an toàn, đạt chất lượng, sản phẩm của HTX được các DN thu mua xuất khẩu trung bình 2 tấn/ngày. Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, DN hạn chế thu mua nên HTX phải bán theo những đơn hàng nhỏ lẻ 1-2 tạ, thậm chí vài kg/đơn hàng. Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng cho hay, nhiều nhà máy sản xuất ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng khiến toàn bộ đơn hàng trước đó của HXT đều phải hủy bỏ. “Tôm đến kỳ buộc phải thu hoạch nếu không sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cũng như mùa vụ. Song do DN thu mua đóng cửa, giao thông đi lại khó khăn khiến chúng tôi phải phát sinh thêm nhiều chi phí như tiền xét nghiệm, thuê người giao hàng… Khó khăn chồng chất khó khăn!”, ông Chuyên than.

Ngành nuôi trồng thủy sản đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm. Trong ảnh: Thu hoạch cá tại Tổ nuôi cá nước ngọt xã Suối Rao, huyện Châu Đức.
Ngành nuôi trồng thủy sản đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm. Trong ảnh: Thu hoạch cá tại Tổ nuôi cá nước ngọt xã Suối Rao, huyện Châu Đức.

Nguy cơ thiếu nguồn cung

Không những khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá bán giảm, 2 tháng gần đây, thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng giá mạnh khiến người nuôi giảm quy mô thả giống. Ông Nguyễn Kim Chuyên dự báo, với  tình hình này, nguồn cung ứng hàng hóa thủy sản trong thời gian tới khó duy trì. Đơn cử, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng đã giảm 1 vụ/năm so với trước, chỉ còn 2 vụ. “Muốn đặt thức ăn hay các thiết bị sản xuất phải chuẩn bị kế hoạch trước cả nửa tháng vì không phải gọi là có hàng ngay được”, ông Chuyên cho hay.

Theo người nuôi thủy sản ở một số địa phương, hiện nay họ chỉ cho cá ăn cầm chừng vì giá cám liên tục tăng cao. Thậm chí, nhiều hộ nuôi đã “treo ao” vì không có vốn, không đặt mua được nguồn giống thủy sản để thả nuôi lứa mới. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ có thêm nhiều người nuôi phải “treo ao” do càng nuôi càng thua lỗ và cũng đã cạn vốn để đầu tư. Đây là nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng thủy sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, nhất là khi dịch bệnh được kiểm soát.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp cùng Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các đoàn thể để hỗ trợ người nuôi tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng tồn vẫn còn hơn 150 tấn. Nguyên nhân là do thủy sản là sản phẩm tươi sống, cần được bảo quản lạnh và giao nhanh cho khách hàng trong ngày, trong khi đó việc đi lại khó khăn, phân phối sản phẩm rải rác nhiều địa điểm.

DOANH NGHIỆP BƯU CHÍNH HỖ TRỢ TIÊU THỤ 
HÀNG TRĂM TẤN NÔNG SẢN
Sau gần 2 tháng triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, đã có hàng trăm tấn trái cây, rau xanh các loại được DN bưu chính tiêu thụ giúp.
Cụ thể, Bưu điện tỉnh và Bưu chính Viettel Chi nhánh Vũng Tàu đã hỗ trợ tiêu thụ gần 135 tấn trái cây (trong đó, tiêu thụ qua mạng lưới bưu chính là 35,5 tấn; qua sàn thương mại điện tử gần 99,4 tấn); 13,2 tấn rau củ quả (trong đó 3 tấn tiêu thụ qua mạng lưới bưu chính; 10,2 tấn tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử); 85,5 tấn hàng thiết yếu.
Trước đó, 5 đơn vị gồm Sở NN-PTNT, Sở TT-TT, Hội Nông dân tỉnh, Bưu điện tỉnh và Bưu chính Viettel Chi nhánh Vũng Tàu đã ký kết chương trình phối hợp đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, các DN bưu chính cũng đã hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân tại các điểm bưu cục trên địa bàn tỉnh với giá bình ổn đã được Sở Công thương công bố.

Ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) cho biết, Sở NN-PTNT đã tích cực phối hợp các địa phương, đơn vị, DN, tổ chức đoàn thể tăng cường trao đổi thông tin về cung, cầu sản phẩm nông sản, thủy sản; kịp thời rà soát, thống kê nguồn cung từng mặt hàng để thúc đẩy kết nối cung - cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua nhiều kênh phân phối và hình thức phù hợp tình hình thực hiện giãn cách xã hội hiện nay. Đồng thời tổ chức các điểm bán hàng cố định hoặc lưu động tại các vùng xanh, vàng (đảm bảo điều kiện phòng chống dịch) cung cấp đầy đủ các mặt hàng nông thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm còn tồn nhiều cần hỗ trợ tiêu thụ.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

.
.
.