Doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn
Trong ngày làm việc đầu tiên, hội nghị đã ghi nhận 17 ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư xung quanh các nội dung, giải pháp về việc tăng cường thu hút đầu tư vào BR-VT; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất song song với phòng chống dịch.
Công nhân Nhà máy Đạm Phú Mỹ được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: TRÀ NGÂN |
ÔNG WATANABE NOBUHIRO, TỔNG LÃNH SỰ NHẬT BẢN TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
Ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động
Đợt dịch thứ 4 bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 4, tập trung nhiều ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam và cho đến nay tình hình dịch vẫn chưa được kiểm soát.
Tại tỉnh BR-VT, tình hình dịch vẫn còn phức tạp. Tuy nhiên, nhờ sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh mà những ngày qua tình hình lây nhiễm đã phần nào được kiểm soát. Chúng tôi đánh giá cao sự quyết liệt trong phòng chống dịch của tỉnh BR-VT.
Hiện nay, hơn 40 DN Nhật Bản đang hoạt động tại tỉnh BR-VT, trong đó có 20 DN là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh. Các DN Nhật Bản luôn tuân thủ nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch của tỉnh BR-VT. Với việc tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp trong một thời gian dài, các DN Nhật Bản đang đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh khác nhau. Theo tôi, để có thể sớm khôi phục kinh tế trong bối cảnh đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thì việc sớm tiêm vắc xin là điều rất cần thiết. Theo tìm hiểu mới đây của Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản, tại tỉnh BR-VT vẫn còn một số công dân Nhật Bản chưa tiêm mũi 1 hoặc chưa tiêm mũi 2. Vì vậy, đề nghị tỉnh xem xét và chỉ đạo để sớm tiêm vắc xin cho công dân Nhật Bản đang có nguyện vọng được tiêm vắc xin, cũng như việc tiêm vắc xin cho người lao động Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản.
ÔNG HIRAI SHINJI, TRƯỞNG ĐẠI DIỆN VĂN PHÒNG JETRO HỒ CHÍ MINH
Mong sớm đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường
Những người có quyền ra quyết định của các công ty Nhật Bản rất cẩn thận trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy mới nên họ muốn khảo sát thực địa. Tuy nhiên, họ gặp khó khăn vì Việt Nam quy định tăng thời gian cách ly từ 2 lên 4 tuần. Việt Nam từng nổi tiếng về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng chống lại COVID-19, nhưng điều này đã đã thay đổi mạnh mẽ từ tháng 7, khi nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội. Các dây chuyền sản xuất ô tô tại Nhật Bản đã ngừng hoạt động do nguồn cung cấp phụ tùng ô tô - như bộ phận dây đai điện - từ Việt Nam bị gián đoạn. Các nhà cung cấp tại Việt Nam tạm ngừng sản xuất do lệnh của chính quyền cấp tỉnh hoặc giảm sản lượng do quy định “3 tại chỗ”. Việc tạm dừng như vậy ảnh hưởng lớn đến tâm lý đầu tư của giới doanh nhân Nhật Bản. Nếu BR-VT trở thành tỉnh đầu tiên cung cấp vắc xin đầy đủ cho người lao động và người dân, sớm đưa hoạt động sản xuất về lại bình thường, thì thành công của BR-VT sẽ trở thành hình mẫu cho các tỉnh, thành khác ở Việt Nam.
ÔNG SHON, YOUN IL, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP HÀN QUỐC TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
Tạo thuận lợi cho chuyên gia, người lao động di chuyển
Các DN có quy mô lao động lớn hoặc các công ty không thể thực hiện toàn diện yêu cầu “3 tại chỗ” dẫn đến giảm công suất hoặc tạm ngưng hoạt động khiến người mua hàng nước ngoài đang chuyển dần sang các nước khác. Ngoài ra, những công ty thực hiện các quy định này cũng đang gặp khó khăn khi ngày càng có nhiều nhân viên muốn nghỉ việc, ngừng việc do các vấn đề về an toàn và sự mệt mỏi gia tăng. Mặt khác, chi phí ăn, ở, dịch vụ, các khoản phụ cấp, xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên khiến gia tăng gánh nặng cho DN.
Theo số liệu cho thấy, tỉnh BR-VT không có nhiều ca nhiễm và nếu thấy tình hình đang trong tầm kiểm soát thì nên xem xét việc cấp thẻ đi lại cho người có trách nhiệm của công ty. Tỉnh cần xem xét nới lỏng quy định, cho phép người lao động sống trong vùng không có nguy cơ cao, nếu có giấy xét nghiệm âm tính hoặc được tiêm vắc xin ít nhất một mũi có thể đi làm bằng xe máy; giãn cách thời gian xét nghiệm COVID-19 đối với công nhân viên bằng với khoảng thời gian ủ bệnh (14 ngày) hoặc mỗi tuần một lần.
Đồng thời, đề nghị tỉnh xem xét nới lỏng quy định di chuyển liên tỉnh bằng cách phối hợp với chính quyền tỉnh/thành lân cận. Trường hợp những nhân sự chủ chốt của công ty hay những chuyên gia bảo trì khẩn cấp đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin và có kết quả PCR âm tính thì có thể cho phép di chuyển giữa các tỉnh/thành lân cận.
ÔNG NGUYỄN XUÂN KỲ, TỔNG GIÁM ĐỐC CẢNG QUỐC TẾ CÁI MÉP (CMIT)
Áp dụng nhiều phương án linh hoạt
350 nhân viên của cảng đã được tiêm mũi 1 và 50% được tiêm mũi 2. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của CMIT là vẫn phải duy trì “3 tại chỗ”. Chi phí đầu tư hạ tầng thiết yếu, ăn ở, sinh hoạt, phụ cấp và phí test COVID-19 định kỳ cho nhân viên công ty, nhà thầu trong cảng lên đến hơn 1 tỷ đồng/tuần, đang khiến DN gặp rất nhiều khó khăn.
CMIT đề xuất UBND tỉnh cho phép DN thực hiện kết hợp nhiều giải pháp như chỉ tiếp tục áp dụng “3 tại chỗ” với các nhân viên có địa chỉ cư trú ở tỉnh khác và trong tỉnh nếu ở các vùng đỏ, vùng vàng có nguy cơ cao. Áp dụng giải pháp “vùng xanh + 2 tại chỗ + 1 cung đường”. Cụ thể, cho phép nhân viên ở vùng xanh được di chuyển đi làm hàng ngày với cam kết khi về nhà không di chuyển khỏi khu vực xanh đang cư trú và tuân thủ 5K tại địa phương, thực hiện 2 tại chỗ tại nơi làm việc. DN cũng kiến nghị tỉnh xây dựng chính sách nhất quán giữa các địa phương và DN để có thể đưa đón nhân viên tại một số điểm đón quy định trên 1 cung đường thay vì đón tại nhà hay bắt buộc phải thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến”. Các giải pháp kết hợp trên sẽ mở ra hướng mới vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch, vừa giúp DN duy trì vận hành một cách linh hoạt.