Hiệu quả từ mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở xã An Nhứt

Thứ Sáu, 03/09/2021, 23:02 [GMT+7]
In bài này
.

Vụ hè thu năm nay, nông dân xã An Nhứt (huyện Long Điền) bước đầu làm quen với mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ. Sản phẩm gạo có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, giảm thiểu hàm lượng các chất gây hại, được Công ty CP Đầu tư phát triển năng lượng - Du lịch Thái Bình Dương (TP. Vũng Tàu) thu mua ngay sau khi thu hoạch với giá cao. Đó là những tín hiệu vui đối với bà con nông dân.

 Nông dân xã An Nhứt thu hoạch lúa vụ Hè Thu 2021.
Nông dân xã An Nhứt thu hoạch lúa vụ Hè Thu 2021.

Mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ được triển khai tại xã An Nhứt trong vụ Hè Thu 2021 có 5 hộ tham gia, với diện tích 5ha, gieo sạ các giống lúa Đài thơm 8, ST 25… Lần đầu tiên, nông dân được làm quen với hình thức sản xuất lúa không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng phân, thuốc hữu cơ sinh học, do Công ty Thái Bình Dương cung cấp. Sau vụ canh tác đầu tiên, năng suất và chất lượng lúa hữu cơ được đánh giá rất khả quan. 

Bà Trần Thị Ngọc, ấp Đồng Trung, xã An Nhứt cho biết, thông qua Hội Nông dân huyện và xã An Nhứt, trong vụ lúa Hè Thu 2021, gia đình bà tiếp cận được mô hình canh tác lúa hữu cơ với sự hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón, vật tư… của ngành nông nghiệp huyện. Năng suất đạt 4,5 tấn/ha, giá bán cao nên lợi nhuận gấp 2 lần so với canh tác lúa truyền thống.

“Vụ Hè Thu năm nay, gia đình tôi gieo sạ 1ha giống lúa Đài thơm 8. Ngay trong ngày thu hoạch, Công ty Thái Bình Dương đã đến tận chân ruộng thu mua 13.500 đồng/kg lúa tươi. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 30 triệu đồng, tăng hơn 10 triệu đồng so với với lối canh tác cũ. Tôi rất vui và sẽ tiếp tục ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật này trong các vụ lúa tới”, bà Ngọc nói.

Tương tự, lão nông Huỳnh Trung Đông, ấp Đồng Trung, xã An Nhứt hồ hởi cho biết, công ty về trực tiếp thu mua lúa tại ruộng cho bà con, đảm bảo giá thị trường ổn định. Bà con rất phấn khởi và có động lực để tiếp tục phát triển diện tích canh tác lúa hữu cơ này.

Theo ông Trần Công Danh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhứt, mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã An Nhứt là mô hình đầu tiên trong huyện sản xuất lúa sạch và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Mô hình này bước đầu đã tạo được tính lan tỏa và thay đổi nhận thức trong tư duy sản xuất của người trồng lúa trên địa bàn. Trong các vụ lúa tới, Hội Nông dân sẽ tham mưu cấp ủy, UBND xã tìm kiếm các đối tác ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, để địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình, nhằm tạo ra sản phẩm lúa hữu cơ sạch, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Theo UBND xã An Nhứt, toàn xã có 425ha lúa Hè Thu đang vào kỳ thu hoạch, năng suất bình quân đạt khoảng 6 tấn/ha. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nông dân đã đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa, dự kiến đến giữa tháng 9/2021 sẽ hoàn tất. Địa phương cũng yêu cầu nông dân thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương lái (có giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PRC trong thời hạn 72 giờ) vào tận ruộng thu mua lúa chở thẳng về nhà máy, vừa thông thương nông sản vừa bảo đảm phòng, chống dịch.

“Vụ lúa Hè Thu 2021, bà con nông dân xã An Nhứt rất phấn khởi vì đạt 2 lợi ích là sản xuất được lúa sạch và doanh nghiệp thu mua đã thực hiện đúng cam kết bao tiêu sản phẩm. Trong khi giá thu mua lúa canh tác truyền thống dao động từ 5.200 - gần 6.000 đồng/kg, thì lúa hữu cơ nông dân bán được 13.500 đồng/kg. Hiệu quả bước đầu của mô hình sẽ là động lực để các HTX, tập đoàn tuyên truyền, vận động nông dân trên địa bàn chuyển dịch sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ tiến tới một nền nông nghiệp sạch bền vững, vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và trực tiếp bảo vệ sức khỏe của người sản xuất”, ông Nguyễn Tường Thành, Phó Chủ tịch UBND xã An Nhứt nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NGUYỄN HỮU THUẬN

;
.