Doanh nghiệp lên phương án khôi phục sản xuất
Từ ngày 9/9, các huyện: Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Châu Đức thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều DN đã lập phương án khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Với việc địa phương được áp dụng Chỉ thị 15, nhiều DN đã bắt đầu hoạt động trở lại. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (huyện Châu Đức) trong giờ sản xuất. |
Sẵn sàng trở lại
Sau gần 2 tháng tạm ngừng hoạt động do không thể thực hiện “3 tại chỗ”, khi hay tin từ ngày 9/9, huyện Châu Đức áp dụng Chỉ thị 15, Công ty TNHH Sản xuất Giày Uy Việt (KCN Sonadezi) đã bắt đầu lên phương án để quay trở lại hoạt động sản xuất. Đại diện Công ty cho hay, trước mắt DN đang thực hiện các phương án phòng, chống dịch như tổ chức đưa đón công nhân, test nhanh 3 ngày/lần cho công nhân. Công ty cũng đã ký cam kết với địa phương về việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, DN sẽ giảm mật độ người lao động tại mỗi ca làm việc, ca ăn; hạn chế tiếp xúc bằng cách bố trí vách ngăn tại nhà ăn và suất ăn riêng cho từng người. Một số bộ phận hành chính, kế toán được làm việc tại nhà, tổ chức họp trực tuyến; lắp đặt camera giám sát các khu vực có nguy cơ; lập danh sách quản lý thông tin của người lao động gửi Ban Quản lý các KCN tỉnh, cơ quan y tế. DN cũng yêu cầu người lao động thực hiện 5K, ghi lại lịch trình tiếp xúc hàng ngày. “DN đang gấp rút chuẩn bị nguyên vật liệu, nhân lực, đồng thời tổ chức xét nghiệm cho người lao động, nhanh nhất là sau ngày 11/9 mới bước vào sản xuất”, vị đại diện DN cho biết.
Trong khi đó, nhiều DN thực hiện “3 tại chỗ” đã không còn bố trí cho công nhân lưu trú tại nhà máy mà trở lại làm việc trong điều kiện bình thường mới. Ông Shao Zhi Yong, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Neway Fluid Equipment Việt Nam (KCN Đất Đỏ 1) cho biết: “Việc áp dụng Chỉ thị 15 đối với các DN là một tin vui vì tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người lao động có thể hoạt động trở lại. Các nguồn cung ứng vật tư bao gồm cả vật tư sản xuất và vật tư sinh hoạt đều đã được khôi phục. Các dịch vụ hậu cần phục vụ cho hoạt động của công ty như: bảo vệ, vệ sinh, suất ăn công nghiệp đều đã có thể khôi phục trạng thái bình thường”.
Nhanh chóng tiêm vắc xin cho người lao động
Ông Phan Tấn Anh, Phó Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Sản xuất giày Vĩnh Uy II (KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ) thông tin, từ ngày 9/9, DN đã ngừng thực hiện “3 tại chỗ” và chuyển sang mô hình “2 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ) gắn với “1 cung đường, nhiều điểm đến” bằng phương tiện đưa đón tập trung đối với người lao động. Ngoài ra, 100% công nhân được đi làm trở lại. Tuy nhiên, các giải pháp khôi phục sản xuất vẫn chưa thực hiện được. “Việc áp dụng Chỉ thị 15 tuy có tạo điều kiện cho DN nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Đó là, chi phí xét nghiệm cho công nhân, xe đưa đón tăng từ 2 chiếc lên 8 chiếc. Chi phí tăng trong khi khách hàng của công ty tại các tỉnh, thành như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… vẫn đang “3 tại chỗ” nên lượng hàng phải cắt giảm. Tại thời điểm này, Công ty TNHH Sản xuất giày Vĩnh Uy II mới chỉ đạt được 50% kế hoạch sản xuất năm, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2020”, ông Phan Tấn Anh nói thêm.
Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH CP KCN Tín Nghĩa Phương Đông - chủ đầu tư KCN Đất Đỏ 1, Công ty đã tính toán việc đề nghị lập phương án cho người lao động trong vùng xanh được đi lại bằng phương tiện cá nhân, có giấy xác nhận của DN. Còn người lao động vùng khác đến thì áp dụng như Chỉ thị 16 để tạo điều kiện cho DN. Tuy nhiên, hầu hết công nhân chưa được tiêm vắc xin. Vì vậy, DN kiến nghị tỉnh tạo điều kiện cho DN trong các KCN được tiêm vắc xin cho người lao động để bảo đảm công tác phòng chống dịch, ổn định sản xuất.
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Lê Xá, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, những DN đóng trên địa bàn nào đang thực hiện Chỉ thị 15 thì sẽ không bắt buộc phải thực hiện “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu vẫn là tiếp tục bảo đảm các phương án phòng chống dịch. Đến nay đã có 136 DN đăng ký mua và cam kết sử dụng vắc xin cho hơn 43 ngàn người lao động với gần 90 ngàn liều. BQL các KCN tỉnh kiến nghị UBND tỉnh, Sở Y tế sớm thông báo về thời gian nhập và kế hoạch tiêm ngừa vắc xin cho người lao động của các DN đã đăng ký.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN