.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó khi trở lại hoạt động

Cập nhật: 20:18, 28/09/2021 (GMT+7)

Sau gần một tuần toàn tỉnh áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, trong số 85 DN tại các KCN tạm ngừng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”, mới có 20 DN đi vào hoạt động. Nguyên nhân chính là do người lao động gặp khó khăn trong việc xin giấy đi đường.  

Người lao động tập trung trước UBND phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ xin giấy đi đường vào ngày 27/9. Ảnh: NAM HỒ
Người lao động tập trung trước UBND phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ xin giấy đi đường vào ngày 27/9. Ảnh: NAM HỒ

 Muốn có giấy đi đường, phải mất cả tuần

Ngay sau khi tỉnh áp dụng Chỉ thị 15 từ ngày 23/9, các DN trong KCN đã nhanh chóng sắp xếp bố trí lực lượng lao động, điều kiện sản xuất để trở lại hoạt động. Tuy nhiên, các DN đang gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục xin giấy đi đường cho người lao động. Bởi, việc di chuyển giữa các huyện, thị xã thành phố phải được sự đồng ý của 2 địa phương nơi đi và nơi đến. Điều này khiến nhiều DN không thể đưa công nhân vào nhà máy để sản xuất.

Anh Nguyễn Văn Long, làm việc tại KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ cho biết, sáng 27/9 anh cùng nhiều công nhân ra UBND phường Phước Hòa để xin xác nhận giấy đi đường. Do lượng người đông nên phải chờ từ sáng tới chiều mới tới lượt. Một số người phải quay về vì đã hết giờ làm việc. “Để được phường đóng dấu xác nhận giấy đi đường, mỗi người phải mang theo 1 bản phương án phòng chống dịch của DN. Bản phương án đó phải được Ban Quản lý các KCN phê duyệt, kèm thẻ căn cước và giấy xét nghiệm âm tính có hiệu lực trong vòng 5 ngày. Giấy xác nhận có hiệu lực hết tháng 10/2021”, anh Long thông tin thêm.

Ông Hồ Nam, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Thép SMC (thuộc hệ thống Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC-KCN Phú Mỹ 1) cho biết, SMC có khoảng 750 công nhân phải làm thủ tục xin cấp giấy đi đường tại 9 phường, xã trên địa bàn TX. Phú Mỹ. Các phường, xã đã tăng cường làm việc vào sáng thứ Bảy để giải quyết thủ tục nhưng dự kiến phải mất thêm từ 3-4 ngày nữa, 100% người lao động mới xong thủ tục xin cấp giấy đi đường.

Các DN có đông công nhân như: Công ty TNHH Nitori BR-VT, Công ty TNHH E-Top Việt Nam, Công ty TNHH Chất lượng Toàn Cầu Superio… với số lượng từ 1.000-4.000 công nhân thì thời gian xin cấp giấy đi đường càng kéo dài. Đại diện Công ty TNHH Chất lượng Toàn Cầu Superio (KCN Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng, TX. Phú Mỹ) cho biết, công ty có 950 công nhân, nên việc xin cấp giấy đi đường không thể hoàn thành trong một vài ngày. Dự kiến sớm nhất 2 tuần nữa DN mới trở lại sản xuất bình thường.

Theo quy định, các lao động cư trú trên cùng một huyện, thị, thành phố thì thủ tục xin giấy đi đường gồm các bước: DN gửi phương án phòng chống COVID-19 cho Ban Quản lý các KCN tỉnh phê duyệt. Ban Quản lý các KCN tỉnh có văn bản phản hồi đồng ý (thời gian khoảng 3 ngày). Người lao động mang phương án này kèm theo đơn xin đi đường có ghi đầy đủ thông tin để DN ký xác nhận. Tiếp đó, người lao động mang đơn và phản hồi của Ban Quản lý các KCN tỉnh đến UBND phường, xã - nơi người lao động đang lưu trú ký xác nhận. 

Theo ông Võ Tuấn Cường, Phó Giám đốc KCN Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng, quy trình cấp giấy đi đường như hiện nay mất rất nhiều thời gian và công sức. Do đó, các DN mong muốn cho phép DN tự ký giấy đi đường, ký cam kết với chính quyền địa phương, Ban Quản lý các KCN tỉnh và tự chịu trách nhiệm. “Việc bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống dịch COVID-19 là quyết định đến vấn đề sống còn của DN, nên hơn ai hết các DN phải biết bảo vệ nghiêm ngặt kể cả khi không có các quy định bắt buộc”, ông Võ Tuấn Cường phân tích.

Khó khăn lớn nhất của các DN khi trở lại sản xuất là thiếu lao động. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH TWINKLE Việt Nam trong giờ sản xuất.
Khó khăn lớn nhất của các DN khi trở lại sản xuất là thiếu lao động. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH TWINKLE Việt Nam trong giờ sản xuất. Ảnh: TRÀ NGÂN

Thiếu hụt lao động  

Bên cạnh đó, nhiều DN cho biết đang thiếu hụt lao động do người lao động đã nghỉ việc vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông Tseng Chu En, Giám đốc Hành chính Công ty TNHH E-Top Việt Nam cho hay, DN hiện có khoảng 3.000 lao động, trong số này chỉ có khoảng 200 công nhân duy trì “3 tại chỗ” để hoạt động từ hơn 2 tháng qua. Số lao động còn lại phần lớn là khác huyện hoặc ở ngoại tỉnh. Do vậy, DN đang gặp khó khăn về nhân lực, bởi lao động nội tỉnh thì phải chờ xin cấp giấy đi đường, lao động ngoại tỉnh chưa được phép quay lại làm việc.   

Tương tự, các dự án đang thi công tại các KCN cũng xảy ra tình trạng thiết hụt lao động. Ông Đặng Hữu Lệ, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Tân Kỳ (KCN Đất Đỏ 1) cho biết, do thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại các tỉnh miền Nam kéo dài nên nguồn lao động bị thiếu hụt trầm trọng. Lực lượng lao động chủ yếu là ngoại tỉnh, đã về quê và chưa trở lại BR-VT làm việc. Các DN chỉ bảo đảm thực hiện thi công được khoảng 50-60% theo tiến độ. “DN rất muốn kêu gọi người lao động trở lại làm việc. Do đó, chúng tôi kiến nghị tỉnh cho phép người lao động đang ở vùng xanh liền kề sử dụng phương tiện cá nhân đi làm. Đối với lao động ngoại tỉnh, cho họ test COVID-19 trước khi vào DN và theo dõi y tế trong vòng 7 ngày rồi tiếp tục test lần 2. Nếu kết quả âm tính  thì bố trí cho công nhân làm việc “3 tại chỗ”, ông Lệ đề xuất. 

 AN NHẬT 

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, tại các KCN hiện còn 54 DN với 16.083 người lao động tạm ngưng hoạt động. 227 DN đang thực hiện “3 tại chỗ”, 93 DN vừa thực hiện “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Số lượng người lao động của DN đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 là 12.964 người đã được tiêm mũi 1 và 1.512 người đã tiêm mũi 2.

 

 

.
.
.