Ngân hàng ứng phó COVID với "3 tại chỗ"

Thứ Năm, 05/08/2021, 23:41 [GMT+7]
In bài này
.

Dù không bắt buộc như các DN sản xuất,  nhưng để bảo đảm hoạt động an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống, đến nay một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện phương án “3 tại chỗ” cho cán bộ -nhân viên,  đó là  làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi ngay tại trụ sở, văn phòng…

Khách hàng giao dịch tại BIDV Bà Rịa.
Khách hàng giao dịch tại BIDV Bà Rịa.

Tạo điều kiện để an tâm công tác

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Do vậy, ngoài việc chia ca làm việc luân phiên tại các điểm giao dịch, gần đây các ngân hàng còn thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Thông tin từ BIDV, chi nhánh Bà Rịa cho biết, gần 10 ngày qua, một số nhân viên của chi nhánh đã thực hiện “ 3 tại chỗ” tại đơn vị. Những nhân viên làm việc “ 3 tại chỗ” này được trang bị đầy đủ trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết để an tâm công tác và nghỉ ngơi tại văn phòng. Anh Lê Quý Tổng- nhân viên quản lý khách hàng tại phòng giao dịch Lê Quý Đôn (thuộc chi nhánh BIDV Bà Rịa) chia sẻ, đây là lần đầu tiên chúng tôi sống và làm việc tại văn phòng, tuy nhiên không có cảm giác gò bó vì ngân hàng luôn hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần. Chúng tôi được bố trí bếp ăn tự nấu, có tủ lạnh cất trữ đồ ăn. Ngoài ra, ngân hàng chuẩn bị giường xếp, chăn mùng mền cho nhân viên có giấc ngủ an toàn, bảo đảm sức khỏe duy trì hiệu quả công việc.

Trong khi đó, tại Vietinbank- chi nhánh Bà Rịa- Vũng Tàu, bà Bùi Thị Thu Hà, Giám đốc cho biết: Đơn vị đã kích hoạt phương án 3 tại chỗ giữa tháng 7/2021. Ngoài ra, Vietinbank tổ chức test nhanh lần đầu cho 100%  CBCVN; tầm soát định kỳ, ngẫu nhiên 10-20% CBCNV  hàng tuần  nhằm phát hiện ổ dịch sớm (nếu có), bảo đảm nguồn lực cho chi nhánh.

Tại BIDV Phú mỹ, dù chưa áp dụng “3 tại chỗ”, tuy nhiên đơn vị này  cũng đã xây dựng phương án để thực hiện ngay khi cần; phun khử khuẩn thường xuyên nơi phòng làm việc…

Tiếp tục đồng hành, chia sẻ với khách hàng

Ghi nhận tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh gần đây cho thấy, lượng khách đến giao dịch trực tiếp tại ngân hàng giảm hẳn. Qua khảo sát được biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn phương thức thanh toán trực tuyến để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thống kê của NHNN, chi nhánh BR-VT cho biết: Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán điện tử tăng mạnh trong thời gian gần đây. Chỉ riêng trong tháng 7/2021, thanh toán không dùng tiền mặt qua các chi nhánh NHTM trên địa bàn ước đạt 5,5 triệu món, với doanh số thanh toán là 180.000 tỷ đồng; doanh số thanh toán bằng tiền mặt qua các chi nhánh NHTM trên địa bàn ước đạt 60.000 tỷ đồng.

Để khuyến khích khách hàng không dùng tiền mặt trong giao dịch, đồng thời tiếp tục đồng hành, chia sẻ với khách hàng, mới đây NHNN Việt Nam ban hành công văn số 5517 NHNN-TT về việc áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tiếp tục triển khai chính sách giảm từ 50% đến 75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ so với mức phí hiện hành, áp dụng từ ngày 1/8 đến hết năm 2021.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, ngày 4/8 Vietcombank công bố giảm hàng loạt phí dịch vụ cho khách hàng trên các kênh giao dịch tại quầy giao dịch, ATM, ngân hàng số VCB Digibank, VCB_iB@nking và VCB Money. Theo đó, đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm đến 80% phí chuyển tiền trong cùng hệ thống và 25% phí chuyển tiền ngoài hệ thống Vietcombank; giảm đến 33% phí các gói tài khoản, áp dụng cho các gói tài khoản VCB Eco và VCB Plus; giảm 17% phí rút tiền mặt tại ATM ngoài hệ thống Vietcombank.

Tại Agribank - Chi nhánh Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Giám đốc cho biết, đang miễn, giảm phí chuyển tiền trong nước đối với khách hàng mở và sử dụng thanh toán tại Agribank, thanh  toán hoá đơn hàng hoá dịch vụ qua các kênh ngân hàng điện tử  E-bankinh, Internet banking, máy POS.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.