Doanh nghiệp chủ động phòng vệ, nâng sức cạnh tranh

Thứ Hai, 09/08/2021, 22:21 [GMT+7]
In bài này
.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang mở ra cơ hội cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất của thế giới. Tuy nhiên, để tham gia vào “sân chơi” này, DN cần nâng cao khả năng ứng phó với các rào cản phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng, nâng sức cạnh tranh trên thị trường.

Khi Hiệp định RCEP thực thi sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng có nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Trong ảnh: Công nhân Công ty Baseafood chế biến hải sản xuất khẩu.
Khi Hiệp định RCEP thực thi sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng có nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Trong ảnh: Công nhân Công ty Baseafood chế biến hải sản xuất khẩu.

Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu

Ngày 15/11/2020, 15 quốc gia thành viên gồm 10 nước ASEAN và 5 đối tác đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand đã ký kết Hiệp định RCEP.

RCEP là FTA có quy mô lớn nhất hiện nay mà Việt Nam tham gia. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và áp dụng một quy tắc xuất xứ chung giữa 15 nước tham gia nên khi RCEP được thực thi sẽ mở thêm cơ hội cho DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực. Đặc biệt, nhờ việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực, nhất là ở các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand... 

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May Vũng Tàu nhận xét, so với các FTA khác, Hiệp định RCEP sẽ có lợi cho Việt Nam trong sân chơi lớn ở ASEAN hơn, bởi đây là thị trường tiềm năng, sức tiêu thụ lớn và thuận lợi về quy tắc xuất xứ. Ông Quý phân tích, 1 cái áo sơ mi khi xuất khẩu sang EU phải bảo đảm quy tắc xuất xứ từ sợi, dệt, nhuộm và sản xuất tại Việt Nam, trong khi nguyên liệu dệt may của Việt Nam chủ yếu nhập từ Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không là thành viên của khối này nên sản phẩm không được hưởng thuế quan do không bảo đảm quy tắc xuất xứ. Tuy nhiên, sản phẩm đó xuất khẩu vào các nước thành viên của Hiệp định RCEP sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan, bởi sản phẩm đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi đến thành phẩm vì nguyên liệu được nhập từ các nước thành viên. “Năm 2021, công ty đã chủ động nhập nguyên liệu, duy trì lực lượng lao động lành nghề, có kỹ năng tốt, tích cực chuyển đổi số để nâng cao năng lực, đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ, để khi dịch ổn định có thể bắt tay vào thực hiện được các đơn hàng”, ông Quý nói.

Mặt hàng thủy sản cũng là một lợi thế lớn vì yêu cầu về xuất xứ hàng hóa được đánh bắt tại Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm thủy sản tác động trực tiếp đến sức khỏe, nên hàng rào phi thuế quan rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Do đó, DN phải tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của từng nước mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) cho biết, dù đã có chỗ đứng vững chắc ở hơn 40 nước trên thế giới nhưng trước những cơ hội và thách thức từ các FTA, trong đó có RCEP, công ty đã chủ động đầu tư thêm kho lạnh, máy móc, thiết bị để dự trữ nguồn nguyên liệu, gia tăng sản xuất các sản phẩm tinh chế để tăng giá trị xuất khẩu, đón đầu cơ hội.

Cần nắm vững quy định pháp lý

Trên thực tế, các FTA, trong đó có RCEP cũng đặt ra không ít thách thức đối với DN. Một trong nhưng thách thức lớn là các đối tác trong FTA của Việt Nam đều thuộc nhóm những nước sử dụng công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) trên thế giới, trong đó RCEP có mức độ cạnh tranh khốc liệt. Do đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ bị các nước đối tác điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM nhiều hơn. Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, việc chủ động ứng phó và vận dụng hiệu quả các biện pháp PVTM là giải pháp giúp DN thoát khỏi các vụ kiện và đảm bảo giữ vững thị phần, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công thương) nhấn mạnh, DN muốn tham gia “sân chơi” mở rộng như RCEP cần nắm vững quy định pháp lý để hạn chế rủi ro và những nguy cơ tiềm ẩn khi ký kết hợp tác với đối tác nước ngoài; chủ động tìm hiểu các vụ kiện hay tranh chấp thương mại để nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm. Đồng thời, cần đẩy mạnh những nhóm hàng chủ động được nguồn cung và có giá trị gia tăng cao, có nhiều cơ hội tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh như nông sản - thực phẩm, thủy sản, thiết bị y tế. Đặc biệt, phải bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chất lượng, chủ động đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền chế biến sâu, gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Đại diện Sở Công thương cũng cho biết, để hỗ trợ các DN hạn chế rủi ro khi thực thi FTA, nhất là khi Hiệp định RCEP thực thi, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ DN, phối hợp với Cục PVTM và các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền tới cộng đồng DN về PVTM, nâng cao năng lực PVTM trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới; tăng cường cảnh báo sớm về PVTM, trong đó chú trọng hoạt động cung cấp thông tin cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội DN.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.