Chăm lo cho người lao động "3 tại chỗ"

Thứ Sáu, 13/08/2021, 23:44 [GMT+7]
In bài này
.

Để động viên, khuyến khích người lao động (NLĐ) đang thực hiện “3 tại chỗ”, các DN, công đoàn cơ sở đã chăm lo bằng nhiều hình thức như hỗ trợ tiền sinh hoạt, điện thoại, tăng chất lượng bữa ăn… nhằm giúp họ yên tâm bám trụ nhà máy, không để đứt gãy sản xuất.

Lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh và LĐLĐ tỉnh thăm hỏi, động viên người lao động tại Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam.
Lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh và LĐLĐ tỉnh thăm hỏi, động viên người lao động tại Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam.

Lo từng bữa ăn, giấc ngủ

Để 650 công nhân yên tâm thực hiện tốt “3 tại chỗ”, cùng với việc bảo đảm các nhu cầu thiết yếu, 14 ngày trong đợt 1 thực hiện Chỉ thị 16, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu (KCN Mỹ Xuân B1 - Conac, TX. Phú Mỹ) đã hỗ trợ 100 ngàn đồng/người/ngày. Mức hỗ trợ này được tăng lên 150 ngàn đồng/người/ngày kể từ đợt giãn cách thứ 2. Bữa ăn cũng được bổ sung trái cây, nước chanh giúp NLĐ tăng sức đề kháng. “NLĐ chấp nhận ở lại nhà máy làm việc trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp là họ đã chấp nhận thiệt thòi vì DN. Hiểu và trân trọng điều đó, trong khả năng có thể công ty luôn tạo điều kiện tốt nhất để NLĐ an tâm sản xuất, chung sức với DN vượt qua khó khăn”, đại diện Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu cho biết.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ là một trong những DN đầu tiên thực hiện “3 tại chỗ”, kể từ ngày 31/5 đến nay. Theo đó, mỗi NLĐ được nhà máy hỗ trợ 200 ngàn đồng/ngày đối với các ngày làm việc bình thường và 300 ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Anh Nguyễn Ngọc Khoa, kỹ sư Phòng Kỹ thuật Nhà máy Đạm Phú Mỹ chia sẻ, việc “cắm chốt” tại nhà máy không chỉ giúp anh được bảo đảm sức khỏe mà còn yên tâm khi có thêm khoản thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng để chăm lo cho gia đình. “Dịch bệnh xảy ra khiến nhiều người mất việc hoặc thu nhập giảm sút nhưng Nhà máy vẫn bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập ổn định lại còn có thêm các khoản hỗ trợ cho NLĐ nên chúng tôi rất an tâm gắn bó”, anh Nguyễn Ngọc Khoa bày tỏ.

Không để ai thiếu thốn

Anh Nguyễn Văn Thịnh, công nhân Công ty TNHH ống thép Sendo chia sẻ: “Công ty cung cấp đầy đủ nước uống, lương thực, đồ dùng thiết yếu, bảo đảm NLĐ không thiếu thốn, yên tâm chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, hàng ngày ban giám đốc và ban chấp hành công đoàn thường xuyên hỏi thăm sức khỏe, đời sống NLĐ. Từ đó, những ý kiến, kiến nghị liên quan đến việc ăn, ở được lãnh đạo DN ghi nhận và giải quyết thỏa đáng”.

Bên cạnh đó, từ nguồn của UBMMTQ Việt Nam tỉnh và các đơn vị đoàn thể vận động, Công đoàn các KCN tỉnh đã làm đầu mối phân phối hàng hóa cho 5 DN đang thực hiện “3 tại chỗ”, mỗi DN 1 tấn gạo; 500kg nhãn cho 8 DN; hỗ trợ hơn 3 tấn gạo cho 300 NLĐ tại các nhà trọ thuộc Công ty TNHH Sản xuất giày Uy Việt (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu). Công đoàn các KCN tỉnh đang kiến nghị LĐLĐ tỉnh đề xuất UBMTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục phân bổ thêm 26,5 tấn gạo và 1.980 thùng mì gói để tiếp tục hỗ trợ cho NLĐ trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trung Ngạn, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh cho biết, để công nhân yên tâm thực hiện “3 tại chỗ”, Công đoàn các KCN tỉnh đã tuyên truyền vận động NLĐ nghiêm chỉnh chấp hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch của cơ quan nhà nước, tổ chức công đoàn và của DN, nhất là thực hiện tốt biện pháp 5K của Bộ Y tế; phát huy hiệu quả vai trò tổ an toàn COVID-19 tại DN. Các công đoàn cơ sở cũng nắm bắt tâm tư của NLĐ, kịp thời đối thoại, thương lượng với DN để giải quyết những vấn đề vướng mắc cho NLĐ, không để xảy ra tranh chấp lao động dẫn đến khiếu kiện, ngừng việc. Đồng thời, công khai chính sách trả lương cho NLĐ khi làm việc “3 tại chỗ” và những người không thực hiện “3 tại chỗ”...

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
Cách tìm việc làm chất lượng
.