Nhằm giải bài toán tiêu thụ nông sản cho 19 tỉnh khu vực phía Nam, ngày 31/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã chủ trì diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện giãn cách phòng, chống COVID-19.
|
Nhiều loại trái cây trên địa bàn tỉnh như nhãn, thanh long...cũng đang ứ đọng do không tiêu thụ được. Trong ảnh: Phân loại thanh long tại huyện Xuyên Mộc |
Nông sản đang bí đầu ra
ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt thông tin, trong tháng 8/2021, các tỉnh phía Nam sẽ thu hoạch 700.000ha lúa và 3,8 triệu tấn gạo; khoảng 640.000 tấn trái cây, gồm xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, bưởi, cam, nhãn, dứa và mít… Ngoài ra, hiện một số loại gia cầm (chủ yếu là gà công nghiệp) ở Nam Bộ đang ứ đọng với số lượng rất lớn, nếu kéo dài nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản. Bên cạnh nhiều sản phẩm chăn nuôi, thủy sản khác cũng đang giảm và gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của COVID-19. Hiện các đầu mối DN tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn về kho bãi, vận chuyển, người lao động, thu mua hàng hóa... Các trang trại sản xuất hàng hóa lớn, cần nhân công chuyên nghiệp, cung ứng cho các HTX, siêu thị. Việc cách ly khiến trang trại thiếu hụt nhân công. Ngoài ra, cước vận tải xuất khẩu đường biển đang tăng “phi mã” khiến các DN gặp không ít khó khăn.
Tại BR-VT, nhiều loại nông sản như chuối, mãng cầu ta, chanh, tắc, bắp, nấm, bưởi da xanh, nhãn đang bước vào vụ thu hoạch. Hầu hết các sản phẩm trên đều trong tình trạng khó tiêu thụ, giá giảm. Riêng lượng nhãn tiêu thụ trong tháng 7 chỉ đạt khoảng 600 tấn, vẫn còn tồn đọng khoảng 900 tấn. Ngoài ra, sức tiêu thụ các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy sản đều giảm (thịt bò giảm 15% - 20%, gia cầm giảm 18%, thịt heo giảm 15%).
|
Hơn 1.000 tấn nhãn tại huyện Xuyên Mộc đang bị ứ đọng do gặp khó khăn trong khâu vận chuyển. |
Xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững
Thời gian qua, 2 DN bưu chính lớn là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã triển khai hiệu quả các điểm bán hàng bình ổn giá, vận chuyển hàng hóa, nhanh chóng đưa xe lưu động vào tâm dịch để giảm bớt áp lực cung ứng hàng thiết yếu cho người dân. Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Anh Tuấn cam kết sẽ đẩy mạnh phối hợp giữa các đơn vị, và sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt về thông tin tuyên truyền trong dịch bệnh để tăng hiệu quả cung ứng hàng hóa, nông sản trên sàn thương mại điện tử thời gian tới.
Cũng tại diễn đàn này một số đại biểu cũng đề xuất việc xin cơ chế chuyển đổi những điểm bán mặt hàng không thiết yếu sang bán những mặt hàng thiết yếu; chia nhỏ ra các điểm do các đoàn thể đứng ra hỗ trợ ở các khu cách ly, giúp giảm tải việc xếp hàng ở siêu thị. Các hộ nông dân cũng nên chia nhỏ các kiện hàng để nhanh chóng đến tay người tiêu dùng…
Sở NN-PTNT cũng thường xuyên thống kê, cập nhật tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, dự báo tình hình sản xuất, sản lượng thu hoạch, để chủ động cung ứng, tiêu thụ phục vụ các nông sản thiết yếu cho người dân. Chủ động cung cấp thông tin về sản phẩm, sản lượng, thời gian thu hoạch, kết nối các đầu mối thu mua và sản xuất các nông sản cho các hội, đoàn thể, nhà phân phối của hệ thống các siêu thị, hiệp hội, GrabConnect ... để phối hợp hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại các vùng sản xuất.
Tại BR-VT, hiện Sở NN-PTNT đang phối hợp với Sở Công thương, Sở TT-TT xây dựng, triển khai chương trình, phương án hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời hỗ trợ nông dân ký hợp đồng tiêu thụ với hệ thống các siêu thị: Co.op Mart, Lotte Mart, Vinmart, Bách hóa xanh, các cửa hàng tiện ích, tự chọn. Bên cạnh đó triển khai bán hàng trên các kênh thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Sendo, Voso; thực hiện liên kết giao hàng với các điểm giao dịch vận chuyển của Bưu Cục Bưu chính viễn thông tỉnh; Viettel; giao hàng tiết kiệm; giao hàng nhanh... |
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống COVID-19 đang xây những vùng an toàn trong 19 tỉnh, thành phía Nam. Thứ trưởng đề nghị các tỉnh, thành tự xây dựng bộ quy chuẩn cho những vùng này, để đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, khó khăn giờ chỉ còn nằm ở phía những HTX, hộ nông dân nằm ngoài các chuỗi giá trị. Thứ trưởng cam kết sẽ sớm xây dựng các mô hình, để mở rộng chuỗi. Các DN đã đồng ý, và chờ dịch được khống chế sẽ tiến hành. “Bộ NN-PTNT cùng Bộ TT-TT sẽ tiếp tục bàn đưa ra các giải pháp hỗ trợ nông dân, DN trong việc tiêu thụ nông sản. Quan điểm của Bộ NN-PTNT là tiếp tục duy trì sản xuất bên cạnh việc phòng, chống dịch CCOVID-19”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU