Vận động người dân hạn chế ra khỏi địa phương

Thứ Hai, 05/07/2021, 21:28 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối giờ chiều 5/7, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tham dự cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang, Bộ GT-VT, Bộ Y tế bàn phương án kiểm soát người và phương tiện vào các địa phương. Cuộc họp xuất phát từ đề nghị của TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh số ca COVID-19 tăng cao, các tỉnh, thành lân cận áp dụng biện pháp kiểm soát chặt người và phương tiện vào địa phương.

Test nhanh cho tài xế vào BR-VT tại chốt kiểm soát phương tiện và khai báo y tế trên QL51 (phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ).
Test nhanh cho tài xế vào BR-VT tại chốt kiểm soát phương tiện và khai báo y tế trên QL51 (phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ).

Tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết, các phương tiện chở khách tuyến cố định, xe buýt, taxi tại các địa phương trên cơ bản đã dừng hoạt động. Tất cả các tỉnh thành chỉ còn hoạt động xe đưa đón công nhân, xe vận chuyển khách theo hợp đồng, xe chở chuyên gia làm việc, xe chở hàng hóa. Tuy nhiên, dịch bệnh đang lan nhanh, các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ đều có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Từ ngày 5/7, các tỉnh, thành lân cận TP. Hồ Chí Minh đều đồng loạt nâng cấp độ phòng dịch. BR-VT, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang đã lập chốt kiểm soát phương tiện và y tế người vào tỉnh, trong đó yêu cầu người điều khiển phương tiện, người vào tỉnh phải có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Thời gian hiệu lực của kết quả xét nghiệm có tỉnh quy định 3 ngày, có tỉnh 5 ngày và cũng có tỉnh 7 ngày. Riêng TP. Hồ Chí Minh chưa lập chốt kiểm dịch phương tiện vào thành phố.

Dù thừa nhận việc lập chốt sẽ gây phiền hà trong lưu thông, song lãnh đạo các tỉnh, thành đều đồng tình phải duy trì kiểm soát để nâng cao ý thức, cảnh giác phòng dịch của người điều khiển phương tiện. Các tỉnh, thành cũng mong muốn Bộ Y tế hướng dẫn 1 phương thức thống nhất về kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, tránh trường hợp làm giả kết quả. Thời gian hiệu lực của kết quả xét nghiệm cũng cần phải có quy định cụ thể với kết quả test nhanh và RT-PCR (xét nghiệm khẳng định).

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT chia sẻ, từ 12 giờ trưa 5/7, BR-VT bắt đầu áp dụng quy định tất cả những người vào tỉnh bằng đường bộ phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Thời hạn của giấy không quá 5 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm. Do yêu cầu phải có kết quả âm tính khi vào tỉnh qua các tổ, chốt kiểm soát nên nhu cầu xét nghiệm ở một số nơi, nhất là ở chốt kiểm dịch cửa ngõ vào BR-VT từ QL51 tăng đột biến, gây ùn ứ giao thông ngay cửa ngõ. Phó Chủ tịch Trần Văn Tuấn cũng đề nghị tỉnh Đồng Nai phối hợp vận động thêm các phòng xét nghiệm đủ điều kiện tại vùng giáp ranh hoạt động để giảm tải, tránh ùn ứ cho BR-VT.

Tại cuộc họp, trước diễn biến phức tạp của dịch, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết thành phố sẽ tái lập chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra vào thành phố. Các địa phương cũng nhất trí tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động người dân không có việc cấp thiết thì hạn chế di chuyển giữa các tỉnh, thành; tài xế phải có xét nghiệm âm tính mới được tham gia vận chuyển và phải tuân thủ khoảng cách, an toàn trên lộ trình. Về thời hạn giá trị kết quả xét nghiệm COVID-19, trong cuộc họp trực tuyến với TP. Hồ Chí Minh về các biện pháp phòng dịch diễn ra sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao Bộ Y tế nghiên cứu trả lời. Do đó, các tỉnh thành cùng thống nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tin, ảnh: ĐĂNG KHOA

 
;
.