“Không để đứt gãy nguồn cung hàng hóa cho người dân tại các địa phương trong mùa dịch COVID-19”, đó chỉ đạo của ông Lê Ngọc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh tại buổi họp trực tuyến với các địa phương về ổn định thị trường, hàng hóa thiết yếu, diễn ra vào trưa 6/7.
Người dân mua thực phẩm tại Lotte Mart Vũng Tàu. |
KHÔNG LO THIẾU HÀNG, TĂNG GIÁ
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương cho biết, Sở đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với 4 cấp độ. Theo đó, sẽ không để tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung và đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Nguồn cung hàng hóa tại tỉnh gồm nhóm hàng nhập từ các tỉnh khác về qua các siêu thị, cửa hàng bán lẻ chủ yếu là các nhóm hàng như dầu ăn, mì, đường, gia vị… và nguồn hàng sản xuất tại tỉnh như thịt, trứng, rau củ, lương thực, thủy hải sản… Sở cũng đã yêu cầu các DN, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác dự trữ nguồn hàng hóa, nhất là các loại hàng hóa nhu yếu phẩm, đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục phục vụ người dân. Trường hợp, nếu có xảy ra khan hiếm hàng hóa sẽ vận chuyển hàng hóa đến điểm thiếu hàng trong vòng 24 giờ.
Ngoài ra, Sở Công thương cũng đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố (chỉ đạo các Ban quản lý chợ hạng 2, hạng 3 tại địa phương); Ban Quản lý các chợ Vũng Tàu, Bà Rịa, Kim Long các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ thông báo cụ thể thông tin hàng hóa, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm đang kinh doanh và khu vực tổ chức kinh doanh; niêm yết và bán đúng giá niêm yết; không tăng giá hàng hóa; không đầu cơ tích trữ; không bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tổ chức phân luồng lối ra - vào chợ; điều tiết lượng khách mua hàng tại cùng một thời điểm, đảm bảo khoảng cách tối thiểu từ 2m.
Tùy tình hình thực tế, BQL các chợ nghiên cứu thực hiện phương án phát phiếu vào chợ, tổ chức kinh doanh theo hình thức luân phiên trong trường hợp cần thiết. Các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ bảo đảm hoạt động bán hàng liên tục, không gián đoạn, cập nhật bổ sung hàng hóa trưng bày tại kệ hàng, cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống; tăng thời gian bán hàng trong ngày (mở cửa sớm hơn, đóng cửa trễ hơn).
NẮM CHẮC THÔNG TIN NGUỒN CUNG HÀNG HÓA ĐỂ LIÊN LẠC KHI CẦN
Tại cuộc họp, trên cơ sở rà soát, cân đối nhu cầu tiêu thụ, nguồn cung hàng hóa, các địa phương cho rằng, trong tình huống xấu nhất, bị cắt đứt mọi nguồn cung hàng hóa từ bên ngoài, các địa phương có thể dự trữ được nhu cầu hàng hóa cho người dân từ 10 ngày đến 1 tháng.
Ông Lâm Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết, hiện nay, nguồn cung hàng hóa trên địa bàn huyện có thể dự trữ trong khoảng 20 ngày. Nếu tình huống xấu nhất, thiếu hụt nguồn cung, huyện sẽ đề nghị các địa phương lân cận và Sở Công thương hỗ trợ. Còn theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, trong điều kiện dịch hiện nay, nguồn cung hàng hóa tại địa phương khá dồi dào, cao hơn nhu cầu bình thường của người dân và có thể bảo đảm trong vòng 1 tháng. Nếu trong trường hợp bị cắt đứt tất cả các nguồn cung từ bên ngoài thì hàng hóa bảo đảm cung ứng cho người dân trong 10 ngày.
Trong khi đó tại các địa phương khác như Đất Đỏ, TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa, TX. Phú Mỹ, Châu Đức mức dự trữ nguồn cung hàng hóa tại địa phương trong tình huống xấu nhất trong khoảng 1 tháng, huyện Côn Đảo là 1,5 tháng. Trong đó một số địa phương còn có thể vừa cung ứng cho người dân trên địa bàn mà còn cung ứng cho các địa phương lân cận.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, những ngày đầu thực hiện siết chặt công tác phòng chống dịch tại các chợ đã xảy ra tình trạng tích trữ hàng hóa. Tuy nhiên hiện nay việc mua bán trên địa bàn tỉnh đã trở lại bình thường, thị trường được kiểm soát. Việc dự trữ hàng hóa vẫn bảo đảm. Nếu trong điều kiện bị cắt đứt nguồn cung hoàn toàn từ bên ngoài, việc điều hòa nguồn cung giữa các địa phương sẽ đủ cung ứng tại mỗi địa phương là 2 tuần. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương nắm chắc thông tin nơi cung cấp hàng hóa, người cung cấp để kịp thời liên lạc khi cần. Các ngành chức năng như Công thương, GTVT, QLTT tăng cường kiểm tra xe cộ, hàng hóa ra vào tỉnh, kiểm soát thị trường, nhất là tại các vùng sâu vùng xa và kiên quyết xử lý các trường hợp quy định công tác phòng chống dịch", ông Lê Ngọc Khánh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU