KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU (12/8/1991 - 12/8/2021)

Hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Thứ Sáu, 09/07/2021, 23:03 [GMT+7]
In bài này
.

Thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020, đến nay trên địa bàn tỉnh đã dần hình thành các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm, giải quyết đầu ra sản phẩm nông sản.

Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã An Nhứt, huyện Long Điền.
Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã An Nhứt, huyện Long Điền.

BẢO ĐẢM ĐẦU RA CHO NÔNG SẢN

Gần 2 năm trở lại đây, hàng chục hộ dân trồng rau trên địa bàn xã Châu Pha, xã Sông Xoài, Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ không còn lo chuyện đầu ra cho sản phẩm nhờ liên kết sản xuất với Công ty CP Thương mại 4K Farm. Việc sản xuất theo chuỗi liên kết không chỉ giúp bảo đảm đầu ra ổn định mà còn làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Nguyễn Văn Tuy (xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ), cho biết: khó khăn nhất của trồng rau truyền thống là đầu ra sản phẩm thiếu ổn định, dễ bị tác động và chi phối bởi biến động thị trường, thời tiết. Tuy nhiên, từ lúc liên kết sản xuất rau theo tiêu chuẩn 4K (không sử dụng chất kích thích, chất bảo quản, thuốc BVTV, không sử dụng giống biến đổi gen), những khó khăn trên đã được giải quyết. Không những thế, vùng đất trồng rau tại xã Châu Pha cũng đã dần khẳng định được tên tuổi, thương hiệu trên thị trường thông qua hình thức liên kết.

Ông Cao Nhật Anh Tú, Giám đốc Công ty CP Thương mại 4K Farm cho biết: Sau gần 2 năm triển khai, 4K Farm đã liên kết các hộ trên địa bàn các huyện Châu Đức, Đất Đỏ và TX. Phú Mỹ. Đến nay mô hình đã phát triển về cả quy mô và diện tích sản xuất. Hiện nay, tổng số nhà màng trồng rau đã đạt 217 nhà màng, với tổng diện tích 21,7ha. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn được công ty bao tiêu.

Còn HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền), nhờ việc ký hợp đồng với Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, sản phẩm của HTX được bao tiêu theo đúng giá cam kết, không lo rớt giá. Ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX cho biết: Theo thỏa thuận liên kết, ngoài việc tiêu thụ sản phẩm của các thành viên HTX, công ty cũng yêu cầu thành viên phải thực hiện đúng quy trình canh tác, tạo ra sản phẩm an toàn về chất lượng. Nhờ vậy, chất lượng lúa của HTX ngày một nâng cao, bảo đảm sản phẩm nông nghiệp tới tay người tiêu dùng an toàn. 

Trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình doanh nghiệp, HTX liên kết với nông dân, HTX trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động có hiệu quả như: dự án “Phát triển cây hồ tiêu bền vững” tại Việt Nam giai đoạn 2020-2022, trên địa bàn huyện Châu Đức và Xuyên Mộc thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ với 821 nông hộ, tương đương 820ha. Trong đó, 673 hộ đã đánh giá đạt tiêu chuẩn SAN (Tiêu chuẩn sản xuất bảo vệ môi trường) do Công ty TNHH Harris Freeman Việt Nam thực hiện. Tháng 3/2021, công ty tiếp tục có văn bản đề nghị mở rộng vùng triển khai dự án trên địa bàn huyện Xuyên Mộc. 

Một số nội dung trong nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết (tư vấn, nghiên cứu xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết... mức hỗ trợ 200 - 300 triệu đồng/dự án); hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết, NSNN hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, NSNN hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc thiết bị; đối với việc xây dựng nhà xưởng, bến bãi, kho... mức hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông, hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện mô hình bao gồm chi phí mua giống, thiết bị, vật tư... mức hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng/dự án.
Huyện Côn Đảo và các xã có thôn đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định 1010/QĐ-TTg sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí với mức không quá 2 tỷ đồng/dự án. Ngoài ra, hỗ trợ 40% chi phí (không quá 300 triệu đồng/dự án) khi áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý đồng bộ theo chuỗi, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).


HỖ TRỢ ĐẦU TƯ LIÊN KẾT SẢN XUẤT

Nhằm triển khai mạnh mẽ các hình thức liên kết sản xuất, đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, HTX trên địa bàn tỉnh đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ngày 13/12/2020, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết 21/2020/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) cho biết: Nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được xem như bước ngoặt nhằm đẩy mạnh các hình thức liên kết, đồng thời thu hút sự quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao của các tổ chức, DN trên địa bàn tỉnh. Để nghị quyết triển khai có hiệu quả, ngành nông nghiệp đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn các đơn vị hiểu và tham gia. Trong giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp dự kiến sẽ thực các mô hình liên kết điểm. Trong đó, xây dựng 6 mô hình thuộc 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Phấn đấu đến năm 2025, sẽ thực hiện được 63 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. “Ngành nông nghiệp sẽ xây dựng và phát hành tài liệu hướng dẫn cụ thể để tổ chức, cá nhân dễ hiểu, dễ áp dụng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các dự án hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”, ông Đăng thông tin thêm.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

 
;
.