Kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân

Thứ Sáu, 23/07/2021, 19:02 [GMT+7]
In bài này
.

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, hàng ngàn tấn nông sản đang vào vụ thu hoạch nhưng không có người mua, thậm chí phải đổ bỏ. Tình trạng này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng nhằm khơi thông khâu tiêu thụ, giúp nông dân giảm bớt thiệt hại.

Dịch bệnh khiến hàng ngàn tấn nhãn trên địa bàn huyện Xuyên mộc, huyện Đất Đỏ bị tồn đọng. Trong ảnh: Thu hoạch nhãn tại huyện Xuyên Mộc.
Dịch bệnh khiến hàng ngàn tấn nhãn trên địa bàn huyện Xuyên mộc, huyện Đất Đỏ bị tồn đọng. Trong ảnh: Thu hoạch nhãn tại huyện Xuyên Mộc.

HÀNG NGÀN TẤN NHÃN CHỜ NGƯỜI MUA

Ông Dương Tấn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc cho biết, địa phương có khoảng 450ha trồng nhãn, sản lượng hàng năm ước tính 3.000 tấn. Thời điểm này, nhãn đang bước vào vụ thu hoạch chính, ước sản lượng gần 2.000 tấn. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, 19 tỉnh thành phía Nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các thương lái ngưng mua khiến nhãn không tiêu thụ được. Nếu không thu hoạch, nhãn sẽ bị rụng và hư hỏng. Mới đây, UBND huyện Xuyên Mộc đã có văn bản gửi các ngành chức năng, các huyện, thị, thành và DN đề nghị hỗ trợ, kết nối tiêu thụ số trái cây trên. “Bình thường, giá nhãn xuồng cơm vàng bán tại vườn từ 30 - 35 ngàn đồng/kg nhưng nay chỉ còn 15 ngàn đồng/kg nhãn xuồng, 8.000 đồng/kg nhãn quế ”, ông Dương Tấn Linh cho hay. 

Ông Phạm Thế Hoành, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Nhân Tâm cho biết, HTX còn 70 tấn nhãn chưa tiêu thụ được. HTX đã nhận được một số đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh, song do việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn nên HTX không thể giao hàng được.

Ngoài nhãn, huyện Xuyên Mộc hiện còn khoảng 140 tấn thanh long tại các xã Bông Trang, Bưng Riềng cũng không tiêu thụ được. 

Trong khi đó, huyện Đất Đỏ còn hơn 400 tấn nhãn xuồng cơm vàng được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cũng đang tồn đọng, khiến nông dân đứng ngồi không yên. Ngoài ra, một số nông sản như nấm, rau xanh, thủy sản, gia cầm cũng đang rớt giá và quá lứa do không bán được. Trước đó là bơ, xoài… phải đổ bỏ do tắc nghẽn trong khâu tiêu thụ.

CẦN MỞ RỘNG KÊNH PHÂN PHỐI

Trước tình trạng này, ngày 20/7, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc khẩn trương thực hiện các giải pháp tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT và Sở Công thương phối hợp thực hiện các biện pháp nhằm hỗ trợ nông dân. Ngày 21/7, Sở Công thương cũng đã có văn bản gửi UBND các địa phương, các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh phối hợp tiêu thụ nhãn cho nông dân huyện Xuyên Mộc. Ngoài ra, Sở Công thương cũng đã có văn bản gửi Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản có sản lượng lớn trên địa bàn tỉnh như nhãn, thanh long, chuối, nấm, rau, thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Việc kết nối tiêu thụ thông qua các chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị trong tỉnh sẽ góp phần giải quyết số nông sản tồn đọng hiện nay.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, Sở đã phối hợp Sở Công thương mở rộng thêm một số kênh phân phối để tiêu thụ nông sản cho nông dân. Trong đó, để duy trì có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, một số sản phẩm đã được chuyển sang giao thương trực tuyến. Ngành đã kết nối với một số đơn vị như Viettel Post, Bưu điện triển khai bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử. Tính đến ngày 20/7, đã kết nối với Viettel đưa lên sàn Voso.vn, tiêu thụ được 12 tấn rau các loại, 1 tấn nhãn xuồng cơm vàng; kết nối Bưu điện tỉnh tiêu thụ 2 tấn nhãn, 1 tấn bơ,  2 tấn rau củ quả, 500 ký thanh long ruột đỏ, 10.000 quả trứng vịt. Ngoài ra, thông tin trên phần mềm kết nối cung cầu nông sản, thủy sản tỉnh BR-VT, các trang inernet, zalo, Facook kết nối tiêu thụ được khoảng 22 tấn nhãn, 2 tấn nấm.

Ông Cường cho rằng đây là giải pháp hữu hiệu, mang tính ổn định và bền vững, giảm thiểu rủi ro, nhất là khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai. Thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp cùng các đơn vị đẩy mạnh triển khai các kênh bán hàng thông qua hình thức thương mại điện tử, các phần mềm kết nối để đảm bảo an toàn dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ được nông dân. “Vừa qua, Sở GT-VT cũng đã được cấp thẻ nhận diện phương tiện (kèm mã QR Code) ưu tiên hoạt động trên các “luồng xanh” vận tải nếu phương tiện vận chuyển hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn (hàng mau hỏng). Thẻ nhận diện đã được cấp sẽ tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa dễ dàng. Đây được xem là tín hiệu tích cực nhằm góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân”, ông Cường nói thêm.

Tổ chức, cá nhân, DN có thể hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh như sau: Tại huyện Xuyên Mộc, nhãn xuồng cơm vàng giá 15.000 đồng/kg; nhãn quế 8.000 đồng/kg; thanh long 10.000 đồng/kg. Giá trên chưa bao gồm phí vận chuyển. Liên hệ mua hàng theo số điện thoại: 0982.828.369 (ông Dương Tấn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc).
Tại huyện Đất Đỏ, giá nhãn xuồng cơm vàng được sản xuất theo VietGAP giá 25.000 đồng/kg; nhãn bao công 40.000 đồng/kg. Liên hệ mua hàng ông Hòa, ĐT 0987058929 (xã Lộc An); ông Hồng, ĐT 0937226618; ông Mót, ĐT 0785.211.667; ông Thắng, ĐT 0984.269.697 (xã Phước Hội); ông Viễn, ĐT 0908.654.388 (xã Long Mỹ).


Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

;
.