Để phát huy vai trò của chợ truyền thống, UBND tỉnh đã kêu gọi, khuyến khích DN đầu tư, khai thác một số chợ trên địa bàn. Trong giai đoạn 2018-2020 có 5 chợ thực hiện thí điểm chuyển đổi theo hình thức này. Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Người dân mua thực phẩm tại chợ Ngãi Giao, huyện Châu Đức. |
Hiệu quả từ chuyển đổi mô hình
Chợ Ngãi Giao (huyện Châu Đức) là chợ đầu tiên hoàn thành việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác theo hình thức xã hội hóa. Chị Trần Thị Thu Hồng, tiểu thương tại chợ Ngãi Giao cho biết, trước đây, khi chưa giao cho DN quản lý, các nhóm ngành hàng trong chợ sắp xếp chưa hợp lý, hàng hóa bày ra cả lối đi… Từ khi chợ được giao cho Công ty TNHH Thương mại Tân Thành tiếp nhận, quản lý, DN đã sắp xếp lại các ngành hàng thành từng nhóm khoa học, thuận tiện hơn cho tiểu thương buôn bán. Cụ thể, nhóm hàng may đo được xếp riêng tại tầng 1, các nhóm hàng kinh doanh vải, quần áo, giày dép được xếp thành một nhóm, hàng tươi sống, rau củ thành nhóm riêng… Bên cạnh đó, các hạng mục xuống cấp đều được sửa chữa kịp thời nên chợ khang trang, sạch đẹp hơn. Trong khi đó, các chi phí như tiền mặt bằng, hoa chi… vẫn được giữ nguyên như trước.
Ông Phan Thiên Khiêm, Trưởng BQL chợ Ngãi Giao cho biết, từ cuối năm 2018, sau khi nhận bàn giao chợ từ UBND huyện Châu Đức, chủ đầu tư đã chủ động sắp xếp vị trí kinh doanh các ngành hàng cho phù hợp thực tế. Những hạng mục, trang thiết bị xuống cấp cũng được sửa chữa hoặc nâng cấp khang trang, tạo điều kiện cho tiểu thương và người dân có nơi kinh doanh, mua bán ổn định. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ cũng không gây xáo trộn hoạt động kinh doanh, buôn bán của tiểu thương nên đa số tiểu thương đều chấp hành nghiêm quy định BQL chợ.
Ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, qua thực tế chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hình thức xã hội hóa tại chợ Ngãi Giao cho thấy, mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh theo hình thức này bước đầu đã mang lại hiệu quả. Trước khi chuyển đổi mô hình cho DN quản lý, khai thác, BQL chợ thu không đủ bù chi. Hàng năm, huyện Châu Đức phải trích ngân sách (khoảng 400 triệu đồng/năm) cho công tác quản lý; bảo đảm an ninh trật tự, chấn chỉnh hoạt động buôn bán lấn chiếm lòng đường và phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, chợ Ngãi Giao được Công ty TNHH Thương mại Tân Thành quản lý, khai thác đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tăng thu ngân sách 190 triệu đồng/năm. BQL chợ đã sắp xếp lại các ngành hàng để bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy. Tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường giảm đáng kể.
Chưa đạt kế hoạch
Mặc dù việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ đã đem lại hiệu quả nhưng việc triển khai còn chậm, không đạt kế hoạch đề ra. Trong số 5 chợ được chọn thí điểm, chỉ có chợ Ngãi Giao đã thực hiện xong việc chuyển đổi. Có nhiều nguyên nhân khiến các chợ còn lại chậm chuyển đổi theo kế hoạch như: chưa có văn bản hướng dẫn về công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ từ BQL, tổ quản lý sang DN/HTX quản lý nên các địa phương còn lúng túng khi triển khai thực hiện; chưa có hướng dẫn về đơn giá trong việc lập dự toán kinh phí thuê đơn vị tư vấn xây dựng phương án chuyển đổi mô hình chợ…
Tại các chợ thí điểm, một số chợ đã bán một phần quầy, sạp, ki-ốt trong chợ cho tiểu thương trước khi đi vào hoạt động hoặc trong quá trình hoạt động; bị thất lạc các hợp đồng cho thuê quầy, sạp… dẫn đến khó khăn trong việc kiểm kê, xác định giá trị tài sản tại thời điểm chuyển đổi để bàn giao cho DN, hợp tác xã quản lý; ký lại hợp đồng cho thuê với tiểu thương.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong việc thực hiện thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý chợ, làm cơ sở tiếp tục triển khai cho các chợ tiếp theo, Sở Công thương kiến nghị UBND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác 4 chợ còn lại đến năm 2021. Sau đó, Sở sẽ tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình đối với các chợ còn lại trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU